Việc uống bổ sung Omega-3 không giúp bảo vệ bạn khỏi những cơn đau tim, đột quỵ hoặc tử vong sớm - đó là kết luận được rút ra từ những thử nghiệm có sự tham gia của 112 nghìn người.
Hàng nghìn người uống bổ sung axit béo omega-3 thường xuyên trong nhiều năm. Niềm tin cho rằng Omega-3 giúp bảo vệ tim mạch đã lan rộng và được quảng cáo liên tục bởi những công ty sản xuất chất bổ sung này. Hiện nay, ngành công nghiệp liên quan đến chiết xuất omega-3 của Mỹ trị giá tới 30 tỷ USD.
Nhưng vào ngày 17/7, Cochrane – tổ chức chuyên tiến hành các đánh giá có hệ thống về các can thiệp y khoa và xét nghiệm chẩn đoán – công bố một phân tích tổng hợp về những thử nghiệm được tiến hành trên quy mô quốc tế để kiểm tra hiệu quả của omega-3. Họ phát hiện không có bằng chứng cho thấy lợi ích của việc uống bổ sung omega-3.
Các nhà nghiên cứu của Cochrane bắt tay vào việc đánh giá có hệ thống chất bổ sung omega-3 theo yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hiện nay, WHO đang cập nhật các bản hướng dẫn của họ đối với chất béo không bão hòa đa (polyunsaturated fat).
"Chúng tôi có thể chắc chắn về những phát hiện đi ngược lại niềm tin phổ biến hiện nay cho rằng các axit béo omega-3 chuỗi dài giúp bảo vệ tim mạch", Lee Hooper, tác giả chính của bài báo đăng trên thư viện trực tuyến của Cochrane, cho biết.
Một lượng nhỏ axit béo omega-3 rất cần thiết cho sức khỏe của con người. Omega-3 được tìm thấy trong một số loại thực phẩm nhất định, nhưng có nhiều nhất trong cá chứa dầu (oily fish), chẳng hạn như cá hồi và dầu gan cá tuyết. Những loại cá này chứa các axit béo chuỗi dài bao gồm axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA). Một số loại quả hạch và hạt, đặc biệt là quả óc chó và dầu hạt cải, chứa một loại omega-3 khác gọi là axit alphalinolenic (ALA).
Nhóm nghiên cứu của Cochrane đã khảo sát 79 thí nghiệm được tiến hành trên quy mô 112.059 người, bao gồm cả đàn ông và phụ nữ tại khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, Australia và châu Á. Một số người tham gia được yêu cầu ăn chế độ ăn uống thông thường, trong khi số còn lại uống bổ sung chất béo omega-3 hàng ngày dưới dạng viên nang trong ít nhất một năm. Một vài thí nghiệm xem xét ảnh hưởng của việc ăn thêm cá chứa dầu, hoặc yêu cầu mọi người tiêu thụ ALA nhiều hơn.
Kết quả cho thấy, việc uống bổ sung dầu cá chứa omega-3 không giúp làm giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc tử vong. Ăn nhiều ALA từ bơ thực vật hoặc quả óc chó có thể hạn chế các biến cố tim mạch, nhưng hiệu quả mang lại rất nhỏ.
Niềm tin omega-3 có thể chống lại bệnh tim mạch bắt nguồn từ một vài kết quả tích cực trong các thử nghiệm vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, Lee cho biết. "Tất cả chúng ta đều tin vào lợi ích của omega-3 trong một thời gian dài. Tuy nhiên, không có bất kỳ thử nghiệm nào kể từ lúc đó cho đến nay có cùng kết quả tương tự", Lee nói.
Tim Chico – giáo sư tim mạch tại Đại học Sheffield (Anh) – nhận định, không một yếu tố nào trong chế độ ăn uống mà chỉ mình nó có thể ngăn ngừa bệnh tim mạch. "Mặc dù một số loại chế độ ăn uống có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, nhưng khi chúng tôi xác định các yếu tố có lợi của chế độ ăn uống này và sử dụng nó như một thành phần bổ sung thì thường có rất ít hoặc không mang lại lợi ích". Điều này đã xảy ra với các vitamin và nghiên cứu mới của Cochrane cho thấy điều tương tự với omega-3.
"Những chất bổ sung như omega-3 thường tiêu tốn một chi phí đáng kể. Vì vậy, với bất kỳ ai mua chúng với hy vọng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tôi khuyên họ nên dành tiền mua các loại rau củ nhiều chất dinh dưỡng", Chico nói.