Nhân loại bắt đầu biết cười từ lúc nào và mục đích thực sự của nụ cười là gì ở thời điểm đó? Các nhà khoa học khẳng định, sự xuất hiện của nụ cười bắt nguồn từ bản năng sinh tồn của con người, là cách để chúng ta giữ an toàn cho bản thân.

Nụ cười là hình thức giao tiếp không cần ngôn ngữ, truyền tải một hiệu ứng tích cực và hợp tác giữa người với người, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mọi nền văn hóa. Nhưng lý do nụ cười tồn tại vẫn là một bí ẩn thú vị.

Cười là cách tự bảo vệ

Nụ cười xuất hiện bột phát trong cuộc trò chuyện hoặc giữa sự kiện, đã có ngay từ khi chúng ta được vài tháng tuổi, ở cả trẻ thường lẫn trẻ bị mù, điếc.

Con người biết cười từ hàng chục triệu năm trước. Ảnh: Medicaldaily
Con người biết cười từ hàng chục triệu năm trước. Ảnh: Medicaldaily

GS-TS Marina Davila Ross thuộc Đại học Portsmouth (Anh) cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu lĩnh vực âm hưởng học của những âm thanh phát ra khi thọc lét 21 trẻ sơ sinh và những con đười ươi, khỉ đột, tinh tinh, bonono; nghiên cứu nụ cười của trẻ sơ sinh khi chơi trò thọc lét rồi đem kết quả thu được soi dưới góc nhìn của cây thế hệ trong đề tài nghiên cứu “Tái cấu trúc quá trình tiến hóa nụ cười của loài linh trưởng và người”. Họ rút ra kết luận rằng, nguồn gốc tiến hóa của nụ cười ở người có thể tính tới từ 10-16 triệu năm trước - thời của tổ tiên chung loài người và loài linh trưởng hiện đại.

Nhà sinh học thần kinh Robert Provine cho rằng: “Ở những loài linh trưởng lớn, nụ cười có thể đã xuất hiện trong khi chơi các trò chơi có liên quan tới hơi thở kiểu thọc lét hay giả đánh nhau”. Những trò chơi dạng này giúp khuyến khích thái độ hợp tác và cạnh tranh của loài linh trưởng.

Sự xuất hiện nụ cười lúc đầu chỉ liên quan mật thiết tới cảm nhận của bản thân con người. Nhưng khi tổ tiên của chúng ta bắt đầu sống trong một cấu trúc xã hội lớn và phức tạp hơn, não cũng phải phát triển để đáp ứng yêu cầu về ngôn ngữ, khi đó các biểu hiện xã hội phức tạp hơn và nụ cười đã có thêm chức năng khác.

Giáo sư thần kinh học Micheal Graziano thuộc Đại học Princeton, New Jersey (Mỹ) cho biết: “Giả đánh nhau là một phần quan trọng trong quá trình tiến hóa của các loài động vật có vú bởi nó rèn luyện các kỹ năng sinh tồn cơ bản. Tuy nhiên, trò chơi này tiềm ẩn nhiều rủi ro chấn thương và vì thế nó cần phải được điều chỉnh (đặt ra các giới hạn - PV)”.

Ông lấy ví dụ 2 con linh trưởng A và B đang chơi trò đánh nhau. Con B đã kịp tấn công con A. Theo phản xạ, A sau khi hứng đòn chắc sẽ có phản ứng tự vệ. B nhận thức được điều đó cũng như sự nguy hiểm của tình huống này và cần đưa ra một tín hiệu xin hòa - một nụ cười.

Đồng quan điểm này, tiến sỹ tâm lý học Andrea Polard - tác giả của học thuyết Hạnh phúc - trình bày trong một bài viết đăng tải trên trang Tâm lý học ngày nay - nói: “Để tồn tại, chúng ta buộc phải chơi đùa. Mọi chuyện sẽ vô cùng nguy hiểm và khó khăn nếu chúng ta bước ra thế giới mà không có kỹ năng thực hành trong một môi trường an toàn trước. Để chuẩn bị cho các tình huống nguy hiểm, chúng ta cần báo động cho những người khác trong cộng đồng xã hội của mình rằng, ta đang chơi và không hề có ý định cạnh tranh, hằn thù. Muốn thực hiện được ý định này, ta cần đưa ra những dấu hiệu rõ ràng” và nụ cười là một trong những dấu hiệu đó.


Sự tiến hóa của nụ cười

Giáo sư Pedro Marijuán và Jorge Navarro thuộc Viện Aragonés de Ciencias de la Salud ở Tây Ban Nha cho rằng, quá trình tiến hóa của nụ cười có liên hệ mật thiết với quá trình tiến hóa của trí não.

Ở loài tinh tinh, hành động chải chuốt cho nhau vô cùng quan trọng, chiếm tới 20% quỹ thời gian của loài này. Đây là hành động nhằm thiết lập và củng cố mối quan hệ giữa các cá nhân. Tuy nhiên, phương pháp này có điểm yếu là hạn chế số lượng cá thể muốn thắt chặt quan hệ cùng nhau.

Trong khi đó, theo thuyết não, ngôn ngữ đối thoại chính là cách để các mối quan hệ được thắt chặt hơn, với nhiều thành viên hơn, trong một thời gian ngắn hơn. Pedro Marijuán và Jorge Navarro nhận định, nụ cười đã ra đời như một công cụ kéo dài cuộc trò chuyện để đạt được mục đích trên. Đây là cách mà một cá nhân gửi tín hiệu rằng mình đang tham gia trong một cuộc chuyện trò.

Cùng với việc loài người và một số loài linh trưởng ngày càng thông minh hơn, chúng ta đã biết điều khiển quá trình tạo ra âm thanh - trong đó có cả việc tạo ra một nụ cười giả tạo. Đây cũng là một công cụ để chúng ta mở rộng các mối quan hệ xã giao, đồng thời nâng cao khả năng sống sót của bản thân.

Trong cuốn “Sách cầm tay về những cảm xúc tích cực”, các tác giả MicheleTugade, Michelle Shiota và Leise Kirby viết, nụ cười có thể giúp nâng cao khả năng chịu đựng đau đớn và là dấu hiệu cho thấy địa vị xã hội của chủ nhân. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, chức năng chính của nụ cười là tạo ra các mối quan hệ ràng buộc xã hội và làm sâu sắc thêm mối quan hệ này.

Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, các nhà khoa học thuộc Đại học California (Mỹ) - đứng đầu bởi Giáo sư Gregory Bryant - đã nghiên cứu nụ cười của 966 người tới từ 24 quốc gia. Họ phát hiện ra rằng nụ cười có thể giúp người nghe phân biệt được bạn bè của mình với người lạ, dựa vào những đặc điểm âm học.