Có nghiên cứu trước đây từng kết luận, rằng việc tắm nước nóng mỗi ngày trước khi đi ngủ sẽ giúp chúng ta đạt được giấc ngủ sâu hơn.
Và nay, một nghiên cứu mới lại chỉ ra: nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cũng sẽ bị giảm thiểu đáng kể nếu con người duy trì thói quen thường xuyên ngâm mình trong bồn tắm nước nóng.
Đó là kết quả của một công trình công phu do nhiều viện nghiên cứu tại Nhật Bản phối hợp thực hiện. Các nhà khoa học đã theo dõi và đánh giá biểu hiện sức khỏe của khoảng 30.076 người tình nguyện tham gia thuộc độ tuổi trung niên, trong giai đoạn từ 1990 đến hết tháng 12/2009. Kết quả này đã được công bố trên tạp chí Heart.
Khi bắt đầu, từng người tham gia sẽ được đề nghị hoàn thành một bản trả lời, với các câu hỏi liên quan đến thói quen tắm hàng ngày, cùng những thông tin sinh hoạt khác như tần suất tập thể dục, chế độ ăn, uống rượu, cân nặng, thời gian ngủ trung bình, tiền sử y khoa, và các loại thuốc đang sử dụng.
Trong suốt 19 năm, khoảng 2.097 trường hợp đã được ghi nhận mắc các chứng tim mạch – bao gồm 275 người bị đau tim, 53 trường hợp [chết] đột tử, và 1769 người bị đột quỵ. Sau khi tính toán các yếu tố có thể gây ảnh hưởng, nhóm nghiên cứu kết luận: việc thường xuyên tắm nước nóng (ngâm mình trong bồn đến tận bả vai theo kiểu Nhật), khác với chỉ 1,2 lần một tuần, thực sự có mối liên hệ mật thiết đến sự suy giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch (khoảng 28%), và đột quỵ (26%).
Các kết quả phân tích chi tiết hơn còn chỉ ra: nước càng ấm thì hiệu quả bảo vệ càng tốt. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng: việc ngâm nước quá nóng sẽ làm tăng nguy cơ tử vong do ngạt thở bởi sốc nhiệt, đặc biệt là đối với người già.
Mặc dù khoa học vẫn chưa thể cung cấp sự nhận thức đầy đủ về hiệu quả của việc tắm nước nóng đối với sức khỏe, song chắc chắn là “tác dụng của nhiệt [từ nước nóng] đối với cơ thể sẽ không giống việc tập thế dục”. Chưa kể, việc ngâm mình trong bồn tắm thường xuyên cũng mang lại tác dụng làm giảm nguy cơ tăng huyết áp.
Nguồn:
Hải Đăng (theo BMJ)