Tổ chức Y tế Thế giới thông báo, Australia xác nhận một trường hợp nhiễm virus Zika sau khi trở về từ Việt Nam. Ngành y tế Việt Nam đặt trong tình trạng báo động.

Ngày 22/3, Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo Australia đã xác định một trường hợp nhiễm virus Zika sau khi trở về từ Việt Nam. Người này đến Việt Nam từ ngày 26/2 và xuất cảnh về Australia vào ngày 6/3. Ngày 8/3 người này có triệu chứng nhiễm virus Zika như sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc, buồn nôn. Trong thời gian ở Việt Nam, người này đã đi đến TP HCM, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận.

Bộ Y tế Việt Nam đã cử đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đến các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận để làm việc với UBND và các Sở, ban, ngành liên quan trực tiếp chỉ đạo công tác giám sát, xác minh và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh do virus Zika.

mot-nguoi-australia-nghi-nhiem-virus-zika-tu-viet-nam

Virus Zika khiến giới chức y tế lo ngại vì liên quan đến hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Ảnh: BBC.

Thứ trưởng Long chỉ đạo ngành y tế nâng mức cảnh báo đối với phòng chống dịch bệnh do virus Zika. Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có triệu chứng tương tự như nhiễm virus Zika tại các cơ sở y tế và cộng đồng. Có thể có trường hợp nhiễm virus có biểu hiện nhẹ, vừa hoặc không có triệu chứng. Các tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông hướng dẫn người dân tự diệt muỗi, bọ gậy để phòng chống bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết.

Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các Viện Pasteur TP HCM, Pasteur Nha Trang hỗ trợ những địa phương nơi người Australia này từng đến, tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm xác định; sẵn sàng thuốc, vật tư, sinh phẩm để đảm bảo việc giám sát, xử lý khi phát hiện ổ dịch Zika.

Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết hiện chưa thể khẳng định được trường hợp này nhiễm virus Zika tại Việt Nam. Phía Việt Nam đã liên hệ qua email và điện thoại trực tiếp với Cơ quan đầu mối của WHO và Cơ quan đầu mối của Australia đề nghị cung cấp thêm thông tin chi tiết về cửa khẩu, thời gian nhập/xuất cảnh, địa điểm lưu trú và các khu vực cụ thể đã đến Việt Nam của trường hợp này.

“Từ đó chúng ta có thể xác định được liệu virus Zika có ở Việt Nam hay không. Thời gian ủ bệnh của virus này là 3-12 ngày”, tiến sĩ Phu nói.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO và Cơ quan đầu mối của Australia để làm rõ các thông tin liên quan, triển khai giám sát.Trước đó, Việt Nam đã lấy khoảng hơn 200 mẫu xét nghiệm bệnh phẩm trên nhiều tỉnh, thành phố trọng điểm để tiến hành xét nghiệm nhưng chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Zika.

Virus Zika tồn tại từ lâu, gần đây bùng phát mạnh mẽ nhất là khu vực châu Mỹ. Đến nay, WHO thông báo trên thế giới đã có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lưu hành virus Zika. Một số quốc gia khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia... cũng ghi nhận những trường hợp người nước ngoài nhiễm bệnh sau khi trở về từ các nước này và được coi như là nước có sự lưu hành virus Zika.WHO cũng chưa có khuyến cáo hạn chế đi lại đến các quốc gia đang có dịch bệnh Zika.

Đa số ca bệnh là nhẹ, tuy nhiên các chuyên gia ghi nhận sự gia tăng của hội chứng đầu nhỏ và Hội chứng Guillain-Barré. Có hai nghiên cứu độc lập gần đây trong phòng xét nghiệm về sự tác động của virus Zika với tế bào não do các nhà khoa học của Brazil và Đại học Johns Hopkins cho thấy virus có thể xâm nhập và tấn công hủy hoại tế bào não làm tế bào não không thể tiếp tục phát triển. Đây là bằng chứng quan trọng về mối liên quan giữa virus Zika và chứng đầu nhỏ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng lưu ý kết quả trong phòng xét nghiệm có thể sẽ không giống như thực tế xảy ra trên cơ thể người. Do đó đến nay WHO vẫn chưa khẳng định chắc chắn về mối liên quan giữa virus Zika và chứng đầu nhỏ mà cần có thêm những bằng chứng khoa học để khẳng định.