Làm việc nhiều giờ đối với phụ nữ có thể mang lại lợi ích ngắn hạn là tăng lương, tăng chức nhưng mang lại nhiều nguy cơ sức khỏe về dài hạn, theo một nghiên cứu mới của ĐH Ohio (Mỹ) công bố trên tạp chí Journal of Occupational and Environmental Medicine.
Nghiên cứu được thực hiện trên gần 7.500 người Mỹ cho thấy phụ nữ làm việc trên 40 giờ/tuần trong 30 năm có nguy cơ giảm tuổi thọ nhiều hơn so với phụ nữ làm việc 40 giờ/tuần trở xuống. Trong khi đó, phụ nữ làm việc từ 60 giờ trở lên mỗi tuần trong 30 năm thì các nguy cơ bệnh tật như tiểu đường, ung thư, bệnh tim, viêm khớp tăng lên gấp ba.
Phụ nữ, đặc biệt những phụ nữ phải nắm giữ nhiều vai trò trong công việc sẽ phải nhận nhiều hậu quả bệnh tật vì các căng thẳng công việc. Điều nguy hiểm là những phụ nữ ở lứa tuổi 20-40 lại thường không quan tâm nhiều đến ảnh hưởng của cường độ công việc đến sức khỏe về sau.
Hậu quả sức khỏe của việc làm việc với cường độ và thời gian nhiều đối với nam giới không nghiêm trọng như đối với phụ nữ.
Lý giải điều này, các nhà nghiên cứu cho rằng một phần do phụ nữ thường là người chịu trách nhiệm gia đình nhiều hơn, ngoài ra còn dễ bị áp lực và căng thẳng trong công việc hơn nam giới khi phải làm nhiều giờ. Phụ nữ thường ít có sự thoải mái trong công việc vì khó cân bằng các yêu cầu công việc với các trách nhiệm gia đình.
Theo các nhà nghiên cứu, các chủ lao động và các nhà hoạch định chính sách chính phủ cần nhận biết rủi ro này để có điều chỉnh thích hợp.
Theo Pháp luật TPHCM