Thực tế, dùng kính Ortho K cũng giống như đeo kính gọng, còn đeo thì còn nhìn rõ, bỏ kính ra sẽ không nhìn rõ.

TS-BS Nguyễn Đình Ngân - Chủ nhiệm bộ môn Mắt, Học viện Quân y, Hà Nội.
TS-BS Nguyễn Đình Ngân - Chủ nhiệm bộ môn Mắt, Học viện Quân y, Hà Nội.

Kính Ortho K thường được các bác sỹ chỉ định cho trẻ em bị cận thị với độ cận tăng từ 1 diop trở lên mỗi năm. Loại kính này không có khả năng giúp bệnh nhân hết cận hoàn toàn bởi nó tuy có thể làm độ cong của giác mạc giảm xuống, triệt tiêu độ cận nhưng nếu không đeo nữa, giác mạc lại sẽ quay trở lại trạng thái trước đó (quay lại nhanh hay chậm tùy thuộc vào thời gian đặt kính).

Thực tế, dùng kính Ortho K cũng giống như đeo kính gọng, còn đeo thì còn nhìn rõ, bỏ kính ra sẽ không nhìn rõ. Ưu điểm của nó so với kính gọng là hạn chế việc tăng độ cận. Cơ chế của kính Ortho K là ép giác mạc phẳng ra. Vì thế với các trường hợp loạn thị thấp, nó có khả năng làm phục hồi. Còn nếu loạn thị quá nặng thì không khắc phục được bằng loại kính này, bởi loạn thị cao số là do độ cong giác mạc không đều và kính khó ép để cong đều. Nếu muốn ép được, kính phải tương quan với giác mạc (vừa loạn vừa cận).

Kính Ortho K thường được sử dụng khi độ cận đang tăng. Khi độ cận đã ổn định thì nên phẫu thuật. Các nhà sản xuất tuyên bố kính hiệu quả với cả các trường hợp viễn thị nhưng thực tế hiệu quả này thấp, xét về mặt khoa học còn phải tiếp tục đánh giá.

Giá một cặp kính Ortho K trung bình từ 11-13 triệu đồng, ngoài ra bệnh nhân còn phải mua nước ngâm kính, thuốc nhỏ mắt khi đặt kính. Các hãng sản xuất khuyến cáo mỗi năm thay kính một lần.