Đây là kết quả của công trình nghiên cứu thực hiện trong 5 năm trên hơn 300 học sinh tiểu học tại Singapore - một đất nước nổi tiếng về sự đòi hỏi cao của cha mẹ đối với con cái.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những đứa trẻ chịu sự kiểm soát thái quá của cha mẹ thường có xu hướng tự chỉ trích, tự trách bản thân thái quá và tình trạng này nghiêm trọng dần theo độ tuổi. Trạng thái tâm lý đó để lại hậu quả rất lâu dài. Những đứa trẻ có thói quen chỉ trích, phê phán bản thân càng gay gắt thì càng có nhiều triệu chứng trầm cảm hoặc lo âu.
“Chúng tôi nhận thấy cha mẹ là một trong những yếu tố chính khiến tình trạng trẻ em tự phê phán, trách móc tăng cao trong thời gian qua” - Giáo sư Ryan Hong - Đại học Quốc gia Singapore, người đứng đầu nghiên cứu - cho biết.
Trong giai đoạn đầu của nghiên cứu, để xác định việc cha mẹ kiểm soát con cái như thế nào, Giáo sư Ryan Hong và các đồng nghiệp đã yêu cầu bọn trẻ thực hiện những nhiệm vụ đơn giản như giải câu đố trong thời gian cố định. Phụ huynh có thể giúp đỡ con nhiều hay ít tùy ý.
Những đánh giá tiếp theo được thực hiện ở lứa tuổi 8, 9 và 11. Cha mẹ, giáo viên và đặc biệt là bọn trẻ tham gia vào các khảo sát mà nhóm nghiên cứu đưa ra để xác định vấn đề tự phê phán bản thân ở trẻ. Kết quả cho thấy, những đứa trẻ bị cha mẹ can thiệp quá sâu vào cuộc sống có rất nhiều khả năng bắt đầu tự phê bình và hơn thế nữa.
“Khi cha mẹ can thiệp quá nhiều vào cuộc sống, đó có thể là dấu hiệu để các em nghĩ rằng những gì mình làm không bao giờ đủ tốt. Kết quả là đứa trẻ sẽ trở nên sợ hãi về việc mắc những sai lầm dù là nhỏ nhặt và sẽ đổ lỗi cho bản thân vì đã không hoàn hảo” - Giáo sư Ryan Hong cho biết.
Nhà khoa học này cũng khuyên các cha mẹ đừng đặt kỳ vọng quá cao hay đòi hỏi sự hoàn hảo ở con cái. Thất bại cũng có mặt tích cực, nó chính là mẹ của thành công.
“Khi con bạn về nhà với kết quả là hoàn thành 90% bài kiểm tra, đừng hỏi chúng “Con đã làm sai những gì” mà ngược lại, hãy động viên chúng bằng các câu nói như “Thật là một kết quả tuyệt vời”. Mắc sai lầm là cách chúng ta học hỏi và hãy khuyến khích trẻ em thực hiện điều đó. Điều này đặc biệt quan trọng trong môi trường có kỳ vọng cao” - Giáo sư Ryan Hong nói.