Địa vị của bố mẹ là bệ phóng cho con
Trong nghiên cứu “Khoảng cách học vấn ngày càng rộng giữa người giàu và người nghèo - chứng cứ khoa học và lý giải mới”, nhà khoa học Sean Reardon - thuộc Đại học Standford, Mỹ - đã kết luận rằng khoảng cách về thành tích học tập giữa những đứa trẻ sinh ra ở gia đình thu nhập cao và thu nhập thấp trong năm 2001 lớn hơn từ 30-40% so với 25 năm trước.
Daniel Pink - tác giả cuốn “Drive: Sự thật đáng ngạc nhiên về những điều thôi thúc chúng ta” - chỉ ra rằng bố mẹ có thu nhập càng cao thì con đạt điểm SAT (Scholastic Aptitude Test - một kỳ thi chuẩn hóa để đăng ký vào đại học tại Mỹ) càng cao.
“Ngoài những can thiệp toàn diện và đắt đỏ thì địa vị xã hội là thứ tác động nhiều tới thành tựu giáo dục” - Pink viết.
Tuy vậy, đừng vội buồn nếu bạn không có điều kiện vật chất tốt, bởi vẫn có cách khác khiến con bạn đạt kết quả cao trong học tập sau này. Từ nghiên cứu được tiến hành năm 2014 trên 243 người sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, các nhà khoa học thuộc Đại học Minnesota, Mỹ rút ra kết luận rằng những em bé nhận được nhiều yêu thương và chăm sóc trong 3 năm đầu đời không chỉ học tốt thời nhỏ mà còn có thể phát triển được nhiều mối quan hệ tốt đẹp, đạt nhiều thành tựu trong con đường học vấn khi đến tuổi 30.
William H. Gates (trái) - cha của Bill Gates - từng lo lắng vì quyết định bỏ học của con, nhưng vẫn ủng hộ hết mình. Ảnh: Bussiness Insider
Cùng với địa vị xã hội, những người mẹ học thức được cho là sẽ giúp con thành đạt hơn. Đây là kết quả nghiên cứu được công bố năm 2014 của nhà tâm lý học Sandra Tang - Đại học Michigan, Mỹ. Trong nghiên cứu được thực hiện trên 14.000 trẻ đi học từ 1998-2007, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những trẻ em có mẹ ở độ tuổi vị thành niên (18 tuổi hoặc trẻ hơn) có tỷ lệ học xong trung học hoặc đại học ít hơn so với những trẻ khác.
Nhà tâm lý học Eric Dubow - Đại học bang Bowling Green, Mỹ, trong một nghiên cứu có sự tham gia của 856 người ở vùng ngoại thành New York - đã phát hiện ra rằng trình độ học vấn của cha mẹ khi em bé lên 8 tuổi có thể giúp dự đoán sự thành công trong học vấn và nghề nghiệp của con mình 40 năm sau.
Luyện kỹ năng, cảm xúc để thành đạt
Cha mẹ thành đạt, có địa vị là một tiền đề tốt, nhưng không đủ để tạo sự thành công cho con sau này. Các nhà khoa học thuộc Đại học bang Pennsylvania và Đại học Duke, Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu trong vòng 20 năm trên 700 người, được theo dõi từ độ tuổi mẫu giáo đến khi họ 25 tuổi.
Kết quả cho thấy, những trẻ em có kỹ năng xã hội tốt như có khả năng hoạt động nhóm, biết giúp đỡ người khác, hiểu cảm xúc bản thân, biết tự giải quyết vấn đề… thường có nhiều khả năng tốt nghiệp đại học và có một công việc tốt khi 25 tuổi so với những em có kỹ năng xã hội hạn chế.
“Nghiên cứu này cho thấy việc giúp trẻ hoàn thiện các kỹ năng xã hội và cảm xúc là một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm để chuẩn bị cho chúng một tương lai tươi sáng. Từ khi trẻ còn rất nhỏ, những kỹ năng này đã có thể giúp đoán định liệu chúng sẽ vào đại học hay vào tù, có công việc ổn định hay rơi vào nghiện ngập” - Kristin Schubert - Giám đốc chương trình thuộc Quỹ Robert Wood Johnson - quỹ tài trợ cho nghiên cứu trên nói.
Ngoài ra, nhiều nhà khoa học cho rằng việc dạy con môn toán từ tấm bé cũng là một yếu tố đảm bảo sự thành công trong học hành của đứa trẻ. Quan điểm này của họ xuất phát từ một nghiên cứu có quy mô lớn, với sự tham gia của 35.000 trẻ em sắp đến tuổi đi học ở Mỹ, Anh và Canada.
“Việc nắm vững các kỹ năng toán học từ sớm là dấu hiệu để dự đoán không chỉ thành tích cao trong toán học mà còn cả thành tích trong môn đọc hiểu ở tương lai” - Greg Duncan - thuộc Đại học Northwestern, Mỹ, đồng tác giả của nghiên cứu này - phát biểu với báo giới.
Kỳ vọng và chia sẻ cùng con
Nhiều người có quan điểm rằng nếu đặt kỳ vọng quá cao vào con trẻ thì sẽ vô tình đặt lên con một áp lực lớn, gây ra nhiều hậu quả không tốt về mặt tâm lý cho đứa trẻ. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mà Đại học California, Mỹ tiến hành trên 6.600 em bé sinh năm 2001, sự kỳ vọng của cha mẹ sẽ tạo ảnh hưởng lớn tới thành tích học tập của con cái.
Giải thích về kết luận này, Giáo sư Neal Halfon - trưởng nhóm nghiên cứu - nói: “Những bậc cha mẹ mong muốn con đỗ đại học thường làm mọi cách để con đạt mục tiêu đề ra, bất chấp vấn đề tiền bạc”.
Giáo sư Halfon cho rằng, trên tất cả, cha mẹ nên dành nhiều thời gian chia sẻ cùng con mọi chuyện - từ các vấn đề trong học tập đến cuộc sống, hướng con phát triển một cách khỏe mạnh cả về tâm lý và sức khỏe, tạo tiền đề vững chắc để con trưởng thành, trở thành người tốt.