Bệnh béo phì ở trẻ em và người vị thành niên niên hiện chính là một trong những vấn đề y tế mang tính toàn cầu. Trẻ mắc các bệnh này có nguy cơ phát triển các chứng bệnh nghiêm trọng, không chỉ gây suy nhược cho cơ thể mà chi phí chữa trị là không hề rẻ như bệnh tim, tiểu đường khi trưởng thành.
Bên cạnh các vấn đề liên quan đến xương khớp, trong những năm gần đây, tình trạng thiếu vitamin D còn được liên hệ với nhiều dấu hiệu sức khỏe khác, ví dụ như lượng mỡ tích trữ trong cơ thể tăng hay bệnh béo phì. Bản chất của những mối liên hệ này đã được các nhà nghiên cứu kiểm nghiệm một cách chính xác và cẩn trọng. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của biện pháp bổ sung vitamin D trên trẻ nhỏ và vị thành niên mắc bệnh béo phì vẫn chưa được kiểm chứng.
Trong nghiên cứu mới nhất được công bố, tiến sĩ Christos Giannios, giáo sư Evangelia Charmandari và các đồng nghiệp thuộc trường Đại học Y Athens hợp tác cùng Bệnh viện Nhi Aghia Sophia (Athens, Hi Lạp) đã theo dõi tình trạng sức khỏe của 232 trẻ em và trẻ vị thành niên trong suốt 12 tháng. 117 trẻ trong số đó được đăng ký bổ sung vitamin D theo hướng dẫn điều trị và phòng ngừa thiếu vitamin của Hội đồng Nhi khoa. Các chỉ số như nồng độ vitamin D, lượng mỡ trong cơ thể, chỉ số chức năng gan và tình trạng tim được đánh giá vào đầu và cuối giai đoạn. Báo cáo cho thấy những trẻ được bổ sung vitamin D có chỉ số khối lượng mỡ và cholesterol trong cơ thể thấp hơn đáng kể sau 12 tháng.
Sắp tới, nhóm nghiên cứu lên kế hoạch sẽ kiểm chứng hiệu quả của vitamin D đối với những trẻ béo vì và có các biểu hiện sức khỏe kém như huyết áp cao, lượng đường và cholesterol trong máu cao. Những yếu tố này đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường trong tương lai.
GS Charmandari cũng lưu ý rằng, mặc dù các phát hiện ban đầu cho thấy tín hiệu khả quan, song chúng ta vẫn cần thêm bằng chứng để chứng minh tính an toàn và hiệu quả lâu dài của việc bổ sung vitamin D, đặc biệt là khi cơ thể người tiếp nhận vốn không bị thiếu vitamin D. Sau cùng, bà cũng khuyên phụ huynh có con béo phì hoặc thừa cân nên tham khảo lời khuyên của thầy thuốc và cân nhắc cho trẻ xét nghiệm hàm lượng vitamin D.