Dự án này sẽ góp phần làm rõ nguồn phát sinh rác thải nhựa đại dương và tác động của rác thải nhựa đến các hoạt động kinh tế-xã hội của các cộng động cư dân ven biển, chất lượng môi trường, sức khoẻ của hệ sinh thái tự nhiên và sức khoẻ con người Việt Nam.

f
Đại diện các đơn vị tham gia buổi lễ khởi động diễn ra vào ngày 26/5 tại Trường ĐH Phenikaa. Ảnh:Trường ĐH Phenikaa

Sáng 26/5, tại Trường ĐH Phenikaa đã diễn ra lễ khởi động Dự án nghiên cứu “Nguồn phát thải, nơi tích tụ và các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển ở Việt Nam” (Sources, Sinks and Solutions for Impacts of Plastics on Coastal Communities in Viet Nam hay 3SIP2C).

Dự án do Quỹ Nghiên cứu thách thức toàn cầu (GCRF) tài trợ thông qua Hội đồng nghiên cứu Môi trường tự nhiên (NERC) thuộc Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới Sáng tạo Vương quốc Anh (UKRI). ĐH Heriot-Watt (Vương quốc Anh) sẽ thực hiện dự án cùng 7 đối tác Việt Nam, gồm: Trường ĐH Phenikaa (dơn vị đầu mối); Viện Môi trường và Tài Nguyên (ĐH Quốc gia TPHCM); Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nộị), Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thuỷ sản; Viện Kinh tế Quy hoạch Thuỷ sản; và Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường.

Phát biểu khai mạc và giới thiệu tổng quan về dự án, GS. Michel Kaiser - ĐH Heriot-Watt, giám đốc dự án - khẳng định 3SIP2C sẽ góp phần làm rõ nguồn phát sinh rác thải nhựa đại dương và tác động của rác thải nhựa đến các hoạt động kinh tế-xã hội của các cộng động cư dân ven biển, chất lượng môi trường, sức khoẻ của hệ sinh thái tự nhiên và sức khoẻ con người. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, dự án sẽ đề xuất các chính sách và giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển tại Việt Nam.

Theo kế hoạch, Dự án sẽ thực hiện việc thu mẫu và tham vấn chính quyền và cộng đồng tại Hải Phòng, Nam Định và Bến Tre. Tại buổi lễ khai mạc, đại diện các địa phương bày tỏ mong muốn được kế thừa các kết quả của dự án sau này để phục vụ tốt hơn công tác xây dựng và thực hiện chính sách quản lý rác thải nhựa tại địa phương.

f
Đại diện ĐH Heriot- Watt và Trường ĐH Phenikaa ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh:Trường ĐH Phenikaa

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Trường ĐH Phenikaa đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với ĐH Heriot-Watt nhằm xây dựng hợp tác sâu rộng hơn trong nghiên cứu khoa học và đào tạo lâu dài giữa hai trường trong tương lai.

Được thành lập vào năm 1821, ĐH Heriot-Wattcó trụ sở ở Edinburgh, Scotland. Đây là cơ sở giáo dục đại học lâu đời thứ 8 tại Vương quốc Anh. Theo Bảng xếp hạng QS World University Rankings 2022, ĐH Heriot-Watt xếp hạng thứ 270 trên thế giới, thứ 33 ở Vương quốc Anh và thứ 5 ở Scotland.

Nguồn: