Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 05 đến ngày 08 tháng 9 năm 2018.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Trong không khí hữu nghị, tin cậy cao và hiểu biết lẫn nhau, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã tập trung trao đổi ý kiến sâu rộng về các phương hướng và biện pháp lớn nhằm tạo xung lực mới thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, nhất trí nỗ lực cao nhất đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Về lĩnh vực năng lượng nguyên tử, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Liên bang Nga khẳng định quyết tâm hợp tác trong việc xây dựng ở Việt Nam Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân cũng như đào tạo tại Liên bang Nga các sinh viên Việt Nam theo học các ngành liên quan đến sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình. Hai bên thỏa thuận rằng trong trường hợp Việt Nam khởi động lại kế hoạch xây dựng ngành năng lượng nguyên tử quốc gia thì Nga sẽ được xem xét là đối tác ưu tiên trong lĩnh vực này.
Chiều ngày 6/9/2018, tại dinh thự Botraroov Rutrei, thành phố Sochi, dưới sự chứng kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Vladimir Putin, thay mặt Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Thứ trưởng Phạm Công Tạc và Tổng Giám đốc Tập đoàn quốc gia về Năng lượng nguyên tử Liên bang Nga “Rosatom”, ông Likhachev đã ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam và Tập đoàn quốc gia về năng lượng nguyên tử “Rosatom” về hợp tác triển khai công tác thông tin truyền thông đối với dự án Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân.
Nhận thức tầm quan trọng của công tác truyền thông trong cộng đồng tại nước CHXHCN Việt Nam khi triển khai dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân, theo Bản ghi nhớ này, hai Bên nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương về thông tin tuyên truyền trong cộng đồng nước CHXHCN Việt Nam về Dự án. Các hoạt động hợp tác bao gồm: Phổ biến kiến thức về năng lượng nguyên tử và thông tin cho công chúng về các công nghệ điện hạt nhân hiện đại; Tuyên truyền về các ứng dụng năng lượng nguyên tử trong việc bảo đảm sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của nước CHXHCN Việt Nam; Xây dựng các chương trình thông tin cho công chúng về các công nghệ điện hạt nhân hiện đại và ứng dụng năng lượng nguyên tử, tổ chức các sự kiện dành cho công chúng trong các giai đoạn thực hiện của Dự án; Thực hiện các dự án xã hội và giáo dục tại nước CHXHCN Việt Nam và nhiều hoạt động khác.
Hợp tác giữa CHXHCN Việt Nam và Liên bang Nga về xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân được đặt ra lần đầu tiên trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào tháng 12/2009. Tiếp đó, ngày 21/11/2011, hai nước đã ký Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam.
Mục đích chính của Trung tâm là thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân quốc gia; đào tạo và huấn luyện đội ngũ cán bộ nghiên cứu, triển khai trình độ cao, có khả năng tiếp thu và làm chủ công nghệ hạt nhân tiên tiến; mở rộng và đẩy mạnh ứng dụng của năng lượng nguyên tử vào các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đồng thời là đầu mối hợp tác quốc tế về năng lượng nguyên tử của Việt Nam với các nước.
Việc thực hiện Dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân có vai trò quan trọng và ý nghĩa to lớn của trong việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga. ViệtNamvà Liên bang Nga có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống lâu đời. Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nga thời gian qua phát triển tích cực với sự tin tưởng cao về chính trị. Với tư cách là một cường quốc hạt nhân, việc thực hiện Dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân sẽ góp phần tăng cường sự tin cậy về chính trị giữa hai nước, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển khoa học công nghệ hạt nhân của Việt Nam.
Sau khi Việt Nam dừng dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, Liên bang Nga mong muốn hai nước tiếp tục hợp tác thực hiện dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân, coi đây là một trong những biểu tượng và là một minh chứng cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, đồng thời góp phần thúc đẩy hợp tác của Liên bang Nga vào các nước Đông Nam Á trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân cũng sẽ là nơi thu hút các cán bộ được đào tạo tại Liên bang Nga về ngành hạt nhân (hơn 400 sinh viên Việt Nam được lựa chọn và gửi sang Nga đào tạo tại trường MEPHI, Obnhinsk), tạo điều kiện cho họ có môi trường làm việc tốt và phát huy được lĩnh vực chuyên môn. Việc thực hiện thành công Dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho Liên bang Nga mở rộng quan hệ và triển khai các hoạt động hợp tác với các nước khác trong ASEAN về năng lượng nguyên tử.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp cùng với các bộ, ngành và địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án trong thời gian sắp tới.