Với tình trạng phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, khi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) được thực thi năm 2020, các doanh nghiệp Việt Nam có thể bị kiện, bị phạt; nhưng thỏa thuận này cũng đem đến cho chúng ta cơ hội.


Ngành điện, năng lượng bị ảnh hưởng nhiều nhất

Chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo nhằm giảm khí nhà kính, hạn chế sự gia tăng nhiệt độ Trái đất là yêu cầu của thỏa thuận mà các bên đạt được trong Hội nghị quốc tế về BĐKH COP 21 tại Paris, Pháp vừa qua. Với Việt Nam, nguy cơ không đáp ứng được các yêu cầu trong thỏa thuận là có thật nếu không tăng tốc giảm khí nhà kính bằng cách dùng năng lượng sạch.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà - Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam tại COP 21. Ảnh: V.A
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà - Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam tại COP 21. Ảnh: V.A

Có hai ngành của Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thoả thuận COP 21 là điện và năng lượng,. Để sản xuất điện và năng lượng, các doanh nghiệp đang đốt lượng nhiên liệu hóa thạch khổng lồ. Tình trạng phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch sẽ đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đến nguy cơ bị kiện, bị phạt nặng do phát thải lượng khí cácbon quá lớn một khi Thỏa thuận Paris được thực thi.

Theo GS Mai Trọng Nhuận - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư vấn chính sách BĐKH, năm 2025 các nhà máy nhiệt điện phải đóng cửa, nhà máy sử dụng dầu mỏ bị hạn chế dần, ảnh hưởng đến nền kinh tế sẽ vô cùng lớn. Để tránh viễn cảnh này, Việt Nam cần có chính sách tốt để khuyến khích việc chuyển đổi năng lượng.

“Hiện chúng ta sản xuất điện từ dầu mỏ, than đá. Về lâu dài, nguồn năng lượng đó sẽ mất đi. Nếu không có phương cách mới thì giá thành năng lượng sạch sẽ tăng lên. Các doanh nghiệp sử dụng năng lượng đều bị ảnh hưởng” - GS Nhuận nói.

Vì thế ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần chủ động tối ưu hóa công nghệ và quy trình sản xuất để giảm tối đa năng lượng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm. Phát triển khoa học và công nghệ theo hướng chuyển nhanh sang sử dụng năng lượng cácbon thấp là một yêu cầu cấp thiết.

Biến thách thức thành cơ hội

Việc đổi mới công nghệ để thay thế nguồn năng lượng trước khi Thỏa thuận Paris có hiệu lực là thách thức lớn. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu - cho rằng, đây là điều phải làm bởi BĐKH là vấn đề sống còn. Mọi hoạt động từ phát triển kinh tế, xã hội đến sinh hoạt người dân đều phải hướng tới mục tiêu bảo vệ Trái đất.

Mặt khác, yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính cũng đem lại cho Việt Nam cơ hội để phát triển bền vững bằng việc khẩn trương chuyển sang dùng năng lượng sạch. Theo ông Phạm Văn Tấn, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức cần tự nguyện điều chỉnh phương án giảm thải khí nhà kính, hoặc có phương án chuyển đổi công nghệ. “Khi làm tốt, chúng ta chẳng những không mất thêm chi phí mà còn được lợi hơn, đơn giản nhất là tiết kiệm năng lượng. Với những doanh nghiệp chuyển đổi mạnh sang giảm khí nhà kính, chúng ta sẽ tìm cách ưu đãi thông qua cơ chế hỗ trợ quốc tế để phát triển và hỗ trợ các công nghệ sạch” - ông Tấn nói.

Một cơ hội nữa mà Thỏa thuận COP 21 đem đến cho Việt Nam là: Các nước phát triển sẽ góp 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ cải thiện môi trường cho các nước đang phát triển ứng phó với BĐKH. Theo ông Đào Xuân Lai - Trưởng phòng Phát triển bền vững, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Việt Nam cần tận dụng điều này để tăng cường trồng rừng. “Tôi nghĩ đây là điểm rất lợi ích cho Việt Nam. Việt Nam cần có những bước chuẩn bị rõ ràng như kế hoạch thích ứng, chuẩn bị các cơ sở dữ liệu, nền tảng của kiến thức hay chuyên gia” - ông Lai nói.

Còn Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, đối với yêu cầu giảm khí nhà kính, doanh nghiệp nào biết tận dụng cơ hội sẽ thành công: “Chúng ta đang đứng trước sự thay đổi, một cơ hội mới nhưng cũng có những thách thức rất to lớn. Đó là việc Việt Nam phải có trách nhiệm pháp lý cùng với tất cả các nước thực hiện thành công Thỏa thuận Paris”.

Ông Trần Hồng Hà cho rằng, trong điều kiện khó khăn này, phải biến thách thức đó thành cơ hội để tận dụng các điều kiện của Thỏa thuận Paris, nhất là khi trách nhiệm của các quốc gia được xem xét trên các văn bản mang tính pháp lý. Đấy là sự thừa nhận của các nước đã phát triển về trách nhiệm đối với thế giới và với các nước đang phát triển.