Ngày 2/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Khóa họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam-Hoa Kỳ (JCM9).

​Khóa họp nhằm điểm lại tình hình thực hiện các dự án hợp tác về KH&CN giữa 2 bên, xem xét những đề xuất mới cũng như đề ra phương hướng, kế hoạch hợp tác trong thời gian sắp tới. Ngoài việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc thực hiện các dự án, khóa họp còn tập trung trao đổi kinh nghiệm, cập nhật về các chính sách và định hướng KH&CN mới của cả hai bên.Từ đó tìm ra một cơ chế thích hợp để thúc đẩy sâu sắc hơn nữa quá trình hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực KH&CN.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Phát biểu tại lễ khai mạc Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, hợp tác về KH&CN và Hoa Kỳ thực sự bắt đầu từ năm 2000. 15 năm qua, hợp tác KH&CN giữa hai quốc gia đã phát triển trong hầu hết mọi lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Trong khuôn khổ Hiệp định, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam được Chính phủ giao là đầu mối chính triển khai Hiệp định, với sự tham gia của đông đảo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, đã cùng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ luân phiên chủ trì tổ chức 08 Khóa họp của Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác KH&CN để kiểm điểm tình hình và đề ra kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

Kể từ năm 2005 đến nay, đã có hơn dự án 30 hợp tác nghiên cứu chung được triển khai và đưa lại những kết quả hứa hẹn. Những dự án này đã có những tác động đối với các hoạt động KH&CN của Việt Nam, có ý nghĩa thiết thực đối với sản xuất và đời sống, nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo cho Việt Nam. Đồng thời tạo ra môi trường thuận lợi để cộng đồng các nhà khoa học của hai bên trao đổi kinh nghiệm, mở rộng hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.

Tại JCM9 lần này, hai bên đã thống nhất sẽ tập trung thảo luận tại 05 nhóm làm việc trên các lĩnh vực: Khoa học y tế và sức khỏe; Nông nghiệp; Trao đổi giáo dục và nghiên cứu; Khoa học bảo tồn và Môi trường; Khí tượng, Thủy văn và Cảnh báo bão. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như Sở hữu trí tuệ, Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng; Không gian vũ trụ và Năng lượng hạt nhân vẫn luôn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ hai nước. Về SHTT, phía Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực, nâng cao vai trò của SHTT trong hoạt động sáng tạo và tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, với việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong thời gian tới, nền kinh tế của Việt Nam sẽ có những thay đổi tích cực. Liên quan đến lĩnh vực không gian vũ trụ, hai Bên đang nỗ lực trao đổi để tiến tới ký kết Hiệp định Khung về hợp tác sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình trong thời gian sớm nhất.

Trong lĩnh vực Năng lượng hạt nhân, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký chính thức Hiệp định sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123) vào tháng 5/2014, mở ra cơ hội để Việt Nam có thể tiếp cận các công nghệ hiện đại của Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ hợp tác, đầu tư vào thị trường Việt Nam vì lợi ích của cả hai bên.

Ông Fonathan Margois khẳng định, KH&CN là yếu tố quan trọng trong tầm nhìn của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy sự phát triển. Tất cả các thách thứcvề an ninh, kinh tế, y tế,… đều có thể giải quyết thông qua các hợp tác về KH&CN. Hoa Kỳ không chỉ sử dụng các cơ sở hạ tầng, năng lực của mình mà chú trọng hơn những hợp tác về KHCN. Các thành viên đến từ Hoa Kỳ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với Việt Nam ở nhiều lĩnh vực.

Ông Fonathan cho biết thêm, tại JCM8, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều quan tâm đến việc thương mại hóa các ý tướng sáng tạo. Hoa Kỳ nổi tiêng về hệ thống sinh thái, sáng tạo đổi mới của mình. Ông nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các trường đại học trong việc thương mại hóa các ý tưởng sáng tạo.

Theo ông, Viêt Nam cần xây dựng chuỗi công nghệ như ở Hoa Kỳ, từ các ý tưởng, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của các trường đại học,đến hợp tác với doanh nghiệp để thương mại hóa những y tưởng này ra thị trường. Việc xây dựng mối quan hệ giữa các trường đại học của hai bên sẽ giúp hệ sinh thái, đột phá sáng tạo phát triển và mang lại lợi ích cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ.

Trong khuôn khổ của chuỗi các sự kiện lần này cũng diễn ra Hội thảo “Hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững thông qua nghiên cứu và đổi mới sáng tạo”. Tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao sức cạnh tranh kinh tế của Việt Nam.

Việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trở nên cấp thiết để doanh nghiệp có thể nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để đáp ứng đòi hỏi sắp tới, cần đẩy mạnh đầu tư vào KH&CN và đổi mới sáng tạo theo hướng tập trung vào doanh nghiệp. Chỉ có đổi mới sáng tạo thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển.