Trung Quốc dự kiến sẽ chi 31,4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4,8 tỷ USD) để xây thêm ít nhất 2 lò phản ứng hạt nhân trong năm nay, như một phần kế hoạch mở rộng sản xuất năng lượng sạch và giảm sự phụ thuộc vào than đá.
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng phi hóa thạch lên mức 15% vào năm 2020 và 20% vào năm 2030. Việc tiêu thụ than đá cũng phải giảm còn 62% trong cơ cấu năng lượng năm 2020. Điện hạt nhân với lượng khí thải thấp và hiệu suất cao là lựa chọn hiển nhiên.
Ông He Yu - Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc - cho biết: “Năng lượng hạt nhân đóng vai trò không thể thay thế trong việc tối ưu hóa cấu trúc an ninh năng lượng Trung Quốc. Thêm nữa, đây là biện pháp tốt để ứng phó với ô nhiễm môi trường”.
Hiện Trung Quốc có 30 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động với tổng công suất thiết kế đạt 28,31GW, 24 nhà máy đang được xây dựng với tổng công suất thiết kế là 26,72GW. Nước này sẽ nâng tổng công suất các nhà máy lên đến mức 58GW vào năm 2020. Như vậy, họ cần xây thêm 6-8 nhà máy và đưa vào hoạt động từ 2016-2020.
Ông Nur Bekri - Cục trưởng Cục Năng lượng quốc gia Trung Quốc - cho biết, việc giảm nhu cầu năng lượng trong bối cảnh kinh tế thế giới đang suy thoái chính là thời điểm hoàn hảo để Trung Quốc tăng cường nỗ lực “cách mạng hóa” lĩnh vực năng lượng.
L.Mai (Theo B.Standard)