Theo PGS-TS Lê Hoài Quốc – Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP HCM, mục tiêu mà lãnh đạo vườn ươm đặt ra cho đến năm 2020 là mỗi năm tốt nghiệp khoảng 5 doanh nghiệp và 50% trong số đó sống sót.
Sáng 26/8, Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (Vườn ươm) đã
tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập. Từ năm 2006, Vườn
ươm đã và đang ươm tạo 32 dự án công nghệ, hỗ trợ 9 dự án thành lập doanh nghiệp
và hỗ trợ tư vấn, đăng ký xác lập quyền sở hữu trị tuệ cho 12 doanh nghiệp ươm
tạo.
Theo ông Lê Thành Nguyên – Giám đốc vườn ươm Công nghệ cao
TP HCM – doanh thu lũy kế của các dự án tham gia ươm tạo đạt trên 50 tỷ đồng, tạo
công an việc làm cho hơn 300 lao động có trình độ. Một trong những điểm khác biệt
của Vườn ươm là các doanh nghiệp khi tham gia ươm tạo đều tổ chức hoạt động
nghiên cứu triển khai. Thông qua hoạt động này, các dự án đã nghiên cứu và phát
triển các tài sản trí tuệ.
PGS-TS Lê Hoài Quốc phát biểu tại Lễ tổng kết 10 năm Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ cao. Ảnh: Ngọc Vũ
Trong số các dự án của Vườn ươm, Công ty TNHH Hệ thống cơ điện tử
xanh (Gremsy) là doanh nghiệp ươm tạo đầu tiên thành công trong việc
thương mại hóa sản phẩm ở thị trường quốc tế.
Sản phẩm của Gremsy là sản xuất và phát triển các dòng thiết
bị cân bằng dùng cho máy quay phim nhằm mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ
không ảnh trên máy bay không người lái.
Ban lãnh đạo Vườn ươm trao giải chứng nhận tốt nghiệp cho các thành viên công ty Gremsy. Ảnh: Ngọc Vũ.
Theo ông Lê Hoài Quốc, năm 2015, Gremsy đã đạt doanh thu
trên 10 tỷ đồng và kỳ vọng trong năm 2016 sẽ đạt con số 20 tỷ đồng.
“Trong giai đoạn từ năm 2014-2016, tỷ lệ cơ cấu doanh thu của
công ty tại thị trường châu Âu chiếm đến 50%, thị trường Mỹ là 30%, 20% còn lại
là các thị trường ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.” – ông Quốc nói.
Thành công của Gremsy đã tạo ra động lực để Vươn ươm xây dựng
lộ trình hoạt động 5 năm (đến năm 2020) để ươm tạo được những startup có thành
công tương tự. PGS-TS Lê Hoài Quốc chia sẻ thêm: “Việc gắn kết các ý tưởng
với doanh nghiệp để thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao là một trong những
khó khăn mà chúng tôi đã gặp phải. Vì thế, ngay từ đầu năm 2016, Vườn ươm đã hoàn
thiện đề án xin các chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp công nghệ cao, trình Ủy ban
nhân dân TP HCM phê duyệt và xin ý kiến các sở chuyên ngành. Đến nay, đề án đã
đang quay về văn phòng Ủy ban chờ phê duyệt. Nếu được chấp nhận, đề án sẽ hỗ trợ
những điều còn thiếu, khó khăn của vườn ươm”.
Cũng theo PGS Lê Hoài Quốc, mục tiêu lớn nhất của vườn ươm
là tạo ra các chuỗi kết nối, để tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với hoạt động
chuyển giao công nghệ. Dự kiến, mỗi năm Vươn ươm sẽ làm lễ tốt nghiệp cho 5 năm doanh
nghiệp, với yêu cầu 50% trong số đó sống sót. Theo các chuyên gia kinh tế,
số doanh nghiệp sống sót sau khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay là dưới 10%.
“Ươm tạo và giúp các dự án tốt nghiệp là một chuyện, nhưng
sau đó chúng ta cũng phải chăm sóc, quan tâm xem sau 5 năm, doanh nghiệp có còn tồn tại
không và cần được giúp đỡ những gì để phát triển” – ông Quốc nói.