Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos được trao giải Nobel Hòa bình năm 2016 nhờ những nỗ lực của ông nhằm chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu kéo dài hơn 50 năm cướp đi 220.000 người tại quốc gia này.
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos Cụ thể, Tổng thống Santos và thủ lĩnh Rodrigo London, có biệt danh là Timoleon
"Timochenko" Jimenez, đứng đầu Lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia
(FARC) sau 4 năm đàm phán đã ký được thỏa thuận hòa bình hồi tháng 9, chấm dứt 52 năm nội chiến.
Tuy nhiên, đáng tiếc là thỏa thuận này lại bị người dân Colombia bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 2/10.
Theo Ủy ban Nobel, kết quả trưng cầu dân ý ở Colombia hôm 2/10 không có nghĩa là người dân
nước này từ chối hòa bình mà họ chỉ muốn phản đối nội dung trong đó. Do đó, ông Santos vẫn xứng đáng nhận Nobel Hòa bình dù thỏa thuận mới ký với FARC đổ vỡ.
Tuy nhiên, Ủy
ban cũng cảnh báo kết quả trưng cầu dân ý có thể khiến xung đột bùng phát trở lại và kêu
gọi ông Santos cũng như Timochenko tôn trọng thỏa thuận, "cùng chia sẻ trách
nhiệm và tham gia một cách tích cực vào các cuộc đối thoại hòa bình sắp
tới".
Về phần mình, Tổng thống Santos khẳng định sẽ theo đuổi hòa bình và đối thoại dân tộc cho đến ngày cuối cùng còn đương chức bất chấp những người chỉ trích cho rằng ông nhượng bộ FARC quá nhiều.
Năm nay, giải Nobel Hòa bình có tổng cộng có 376 ứng cử viên, bao gồm các tổ chức và cá nhân nổi tiếng như Thủ tướng Đức Angela Merkel, cựu nhân viên Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ Edward Snowden, Giáo hoàng Francis...
Năm ngoái, giải Nobel Hòa bình được trao cho Bộ Tứ Đối thoại quốc
gia Tunisia (bao gồm Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia, Liên minh Công
nghiệp - Thương mại và Thủ công nghiệp Tunisia, Liên đoàn Nhân quyền và
Hội đồng Luật sư Tunisia) vì những nỗ lực của nhóm này trong việc kiến
tạo hòa bình và dân chủ tại quốc gia Bắc Phi.
Bạch Dương (theo Guardian)