Đó là nội dung thuộc Đề án thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng giai đoạn 2016-2020 vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt.
Đề án cũng hướng đến nhằm quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị dịch vụ môi trường rừng, thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng ở Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.
Nội dung của Đề án sẽ tập trung vào việc xây dựng Bộ Tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững của Việt Nam trên cơ sở hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế đồng thời tiến hành rà soát, quy hoạch, lập kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm triển khai quản lý rừng bền vững trên phạm vi cả nước và vùng sinh thái.
Xây dựng thông tư quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ rừng, quyền hạn và nhiệm vụ của các tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ rừng; xây dựng hồ sơ và đăng ký tham gia hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế, trước mắt là tham gia Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng Châu Âu (PEFC).
Đồng thời tiến hành quảng bá thương hiệu chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc gia tới các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu trong nước cũng như quốc tế, trước mắt ưu tiên các thị trường xuất khẩu gỗ trọng điểm của Việt Nam.
Tổng kinh phí để thực hiện Đề án ước tính khoảng 22,3 tỷ đồng. Trong số đó, triển khai thực hiện quản lý rừng bền vững là 9,4 tỷ đồng; cấp chứng chỉ rừng Việt Nam là 6,4 tỷ đồng và 6,5 tỷ đồng cho việc nâng cao năng lực và nhận thức về cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn, trong giai đoạn đầu xây dựng Hệ thống Chứng chỉ rừng Việt Nam (2016-2020), cần có sự huy động từ các nguồn vốn: vốn ngân sách là 32,9% khoảng 7,3 tỷ đồng; huy động tài trợ từ các chương trình, dự án quốc tế là 46,4% với khoảng 10,4 tỷ đồng; huy động từ các doanh nghiệp và đối tượng hưởng lợi là 4,6 tỷ đồng, chiếm 20,6%.
“Giai đoạn tiếp sau năm 2020, nguồn vốn được huy động thông qua việc thực hiện xã hội hóa toàn phần và tự trang trải về kinh phí,” thứ trưởng Hà Công Tuấn nêu rõ.