Theo một báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), sắp tới có thể sẽ có thêm 120 triệu trẻ em ở Nam Á rơi vào cảnh nghèo đói bởi sự lây lan của coronavirus trên khắp khu vực. Chính vì vậy, cần có các biện pháp hợp lý ngay bây giờ để giúp các nước giảm thiểu các tác động từ đại dịch, từ đó chuyển sang mô hình phát triển bền vững.

240 triệu trẻ em thuộc tám quốc gia (bao gồm Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Bangladesh, Maldives và Sri Lanka) đã sống trong cảnh nghèo “đa chiều”. Ảnh: Cordaid/Frank van Lierde

Nam Á, nơi chiếm khoảng một phần tư dân số thế giới, đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng số người nhiễm virus trong vài tuần gần đây, trong đó Ấn Độ tăng lên hơn 440.000 người.

Báo cáo của UNICEF với tiêu đề "Covid-19 đe dọa đến tương lai của 600 triệu trẻ em Nam Á như thế nào?", lưu ý rằng dù trẻ em ít bị nhiễm virus hơn, nhưng chúng vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các vấn đề liên quan đến đại dịch, "bao gồm ảnh hưởng của lệnh phong tỏa cũng như các biện pháp khác – nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh – lên nền kinh tế xã hội."

Báo cáo ước tính 240 triệu trẻ em thuộc tám quốc gia (bao gồm Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Bangladesh, Maldives và Sri Lanka) đã sống trong cảnh nghèo “đa chiều” – không chỉ đo bằng tiêu chí thu nhập mà còn các yếu tố phi tiền tệ như sức khỏe, giáo dục, vệ sinh và môi trường làm việc.

Giờ đây, đại dịch có thể tiếp tục khiến thêm 120 triệu trẻ em vào ngưỡng nghèo trong vòng sáu tháng tới.

“Những khía cạnh xoay quanh vấn đề đại dịch trên khắp Nam Á, bao gồm lệnh phong tỏa và các biện pháp khác, đã gây tổn hại cho trẻ em theo nhiều hướng”, Jean Gough, Giám đốc UNICEF Khu vực Nam Á nói. “Nhưng tác động lâu dài của cuộc khủng hoảng kinh tế lên trẻ em chắc chắn sẽ diễn ra ở một quy mô lớn hơn. Nếu không hành động kịp thời, Covid-19 có thể phá hủy hy vọng và tương lai của cả một thế hệ”.

Khó khăn trong tiếp cận tri thức, sức khỏe không đảm bảo, tạm dừng các chương trình tiêm chủng và tăng nguy cơ lạm dụng trong suốt thời gian phong tỏa là một số vấn đề mà trẻ em ở Nam Á đang phải đối mặt và sẽ tiếp tục phải đối mặt trong những tháng tới.

UNICEF dẫn chứng bảy đợt bùng phát bệnh sởi với 250 trường hợp mắc bệnh ở Nepal trong thời gian phong tỏa, cũng như việc các đợt tiêm chủng cho trẻ em ở Bangladesh giảm 55% vào tháng Tư, so với tháng Hai.

Theo báo cáo, tiêm chủng, dinh dưỡng và các dịch vụ y tế quan trọng khác đã bị gián đoạn nghiêm trọng, điều này sẽ đe dọa cuộc sống của trẻ em và các bà mẹ. Và với việc đóng cửa các trường học, báo cáo ước tính rằng hơn 430 triệu trẻ em đã và đang ‘mất kết nối’ với lớp học. Mặc dù nhiều trường học đã triển khai dạy học trực tuyến, nhưng các em học sinh ở khu vực nông thôn - nơi điện và Internet là những thứ xa xỉ - vẫn không thể truy cập vào bài giảng.

Mặc dù nhiều trường học đã triển khai dạy học trực tuyến, nhưng các em học sinh ở khu vực nông thôn - nơi điện và Internet là những thứ xa xỉ - vẫn không thể truy cập vào bài giảng. Ảnh: UNICEF

Việc đóng cửa các trường học cũng dẫn đến việc tạm dừng các chương trình dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe tại trường. Và tại một số quốc gia, như Ấn Độ và Nepal, hàng trăm trường học đã chuyển đổi thành khu cách ly dã chiến.

“Dẫu biết là chúng ta cần tập trung vào việc cải thiện chất lượng giáo dục cơ bản, nhưng cũng phải đảm bảo rằng thanh thiếu niên được đào tạo đầy đủ các yếu tố cần thiết để trở thành một công dân tích cực cũng như những kỹ năng mà nhà tuyển dụng mong muốn”, Jim Ackers, Cố vấn Giáo dục của UNICEF cho biết. “Nhưng rốt cuộc thì các nước Nam Á đã hi sinh tương lai của họ và triển vọng của những đứa trẻ nơi đây”.

Khi đại dịch nhanh chóng lan rộng tại khu vực này, tình trạng mất việc và cắt giảm tiền lương diễn ra vô cùng phổ biến, gây ảnh hưởng nặng nề đến các gia đình và người lao động. Mặc dù, theo UNICEF, một số quốc gia đã phản ứng bằng cách mở rộng các chương trình an sinh xã hội hiện có hoặc triển khai các chương trình khẩn cấp mới, nhưng điều đó vẫn không đủ.

"Vì ngân sách hiện nay của một số quốc gia khá eo hẹp, nên họ gần như không thể cung cấp những phúc lợi gì đáng kể," báo cáo cho biết.

UNICEF đề xuất các nước nên triển khai gói hỗ trợ phổ quát cho trẻ em, điều này sẽ đảm bảo phần lớn các hộ gia đình trên khắp Nam Á có thể tiếp cận mức hỗ trợ thu nhập tối thiểu.

“Đưa ra các biện pháp hợp lý ngay từ bây giờ sẽ giúp các quốc gia Nam Á chuyển đổi nhanh hơn – từ cuộc khủng hoảng Covid-19 sang mô hình phát triển bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho sự phát triển của trẻ em, cũng như nền kinh tế và sự gắn kết xã hội,” Gough nói.

Nguồn: