Khoa học công nghệ giúp phát triển sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Tây Bắc năm 2015 đạt 83,1 ngàn tỷ đồng, tăng 4,36% so với năm 2014.
Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị “Tổng kết công tác năm 2015 và bàn về chăn nuôi đại gia súc vùng Tây Bắc” do Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 10/12.
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc, ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Trương Xuân Cừ - Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Trong năm 2015, Tây Bắc đã có nhiều chuyển biến, đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn còn 6 tỉnh là “lõi nghèo” của cả nước, do đó cần tập trung phát triển thế mạnh của vùng, trong đó có phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Để làm được điều đó, công tác khoa học công nghệ cần phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong năm 2015, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ nông nghiệp đã tập trung vào các đối tượng cây trồng, vật nuôi có khả năng tạo ra sản lượng hàng hoá như chè, ngô, lúa, gia cầm, cá nước lạnh… Ngoài ra, với đặc điểm vị trí địa lý của vùng nên công tác khoa học công nghệ cũng được tập trung vào nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ góp phần phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Trương Xuân Cừ nêu rõ: Năm 2015 tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 83,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,36% so với năm 2014. Tuy nhiên, ông Cừ cũng thẳng thắn chỉ ra ở nhiều nơi, nhiều địa phương kết quả ứng dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế. Đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất nhỏ, tự cấp, tự túc. Năng suất trồng trọt còn thấp; chăn nuôi phổ biến theo phương thức truyền thống lạc hậu, nhỏ lẻ, rủi ro cao, tăng trưởng chậm và thiếu ổn định; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và dịch vụ nông nghiệp chưa phát triển.
Theo đó năm 2016, các tỉnh Tây Bắc cần tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng và từng địa phương; đẩy nhanh ứng dụng khoa học tiến bộ vào sản xuất như chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng “xanh” và bền vững.
Báo cáo “tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2015, triển khai công tác trọng tâm năm 2016” cũng chỉ rõ trong giai đoạn tới, phát triển sản xuất chú ý ứng dụng khoa học, công nghệ, công nghệ cao cho các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của vùng, đầu tư giống mới như chè, cao su, cà phê, chăn nuôi đại gia súc, thuỷ sản nước lạnh và các cây con đặc sản của vùng.