Nhờ vào những tiến bộ khoa học công nghệ, các thành phố trên thế giới đang ngày càng trở nên thông minh. Tuy nhiên, để những thành phố thông minh (smart city) thực sự trở thành nơi đáng sống, con người mới là yếu tố đóng vai trò quyết định.
Hình minh họa. Nguồn: Infonet
Làm sao để khuyến khích mọi tầng lớp dân cư, không phân biệt xuất thân, địa vị, tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn... cùng tham gia và cộng tác trong việc giải quyết những vấn nạn mà thành phố phải đối mặt? Đó là những vấn đề chính được Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Long – Trung tâm Nghiên cứu năng lượng quốc tế IERC (ĐH University College Cork, Ireland), và bà Đỗ Thùy Dương – CEO Công ty đào tạo nhân lực Talent Pool, Đại biểu HĐND TP. Hà Nội thảo luận tại buổi tọa đàm ''Smart cities for all: putting people first'' ngày 07/09 tại Trung tâm văn hóa Mỹ ở Hà Nội (American Center in Hanoi).
TS Phạm Thị Thanh Long chia sẻ, hiện nay, trong cuộc chạy đua xây dựng các thành phố thông minh trên khắp thế giới, người ta thường nói nhiều đến yếu tố công nghệ (như trang thiết bị cho những hệ thống vật lý, kết nối vật lý, phi vật lý và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc giải quyết các thách thức mà thành phố gặp phải), nhưng lại xem nhẹ hoặc thực hiện chưa tốt nhiều nhiệm vụ quan trọng khác, trong đó có việc đảm bảo nền tảng để huy động sự tham gia của mọi tầng lớp dân cư nhằm giải quyết các vấn đề của thành phố một cách hiệu quả hơn. Điều này cũng thể hiện ở trách nhiệm của người dân với thành phố. Trước đây người dân hiểu là mình đóng thuế thì được phục vụ, nhưng với các thành phố và cuộc sống đô thị thì việc xây dựng đô thị phải là trách nhiệm hai chiều. Chẳng hạn, người dân đi qua đường, thấy ổ gà, nắp cống mất phải có trách nhiệm báo với cơ quan có hữu quan, thay vào đó chỉ nói bâng quơ “hỏng mãi sao không chịu sửa”. Hiện nay, việc sử dụng công nghệ rất đơn giản, hầu hết cư dân đô thị biết sử dụng điện thoại, internet, hoặc có thể gọi vào một đường dây nóng nào đó để báo. Nhưng thực tế là hầu hết các chính quyền thành phố đều đang bỏ qua trách nhiệm của người dân với thành phố nơi mình sinh sống.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Đỗ Thùy Dương cho rằng công nghệ chỉ là phương tiện, có vai trò nhất định. Dẫu đầu tư rất nhiều tiền bạc cho những hệ thống quản lý thành phố bằng công nghệ đắt tiền, nhưng người dân không tham gia, không hưởng ứng thì cũng không mang lại kết quả. Do vậy, quan hệ giữa con người, sự hiểu biết lẫn nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau giữa những con người trong đô thị mới là quan trọng. Ai cũng tích cực làm tốt vai trò và trách nhiệm của mình để đóng góp cho một thành phố đáng sống hơn, bền vững hơn, và những người dân sẽ ở đó, gắn bó lâu dài với thành phố thay vì tìm cách di chuyển đi nơi khác.
TS Phạm Thị Thanh Long tin rằng, nếu quá trình này trở thành lối sống của người dân thành phố thì các thành phố sẽ có cơ hội phát triển và hiện đại hóa nhanh chóng để trở thành các thành phố thông minh. Nếu thành phố có hạ tầng đô thị hiện đại, dịch vụ công của chính quyền với người dân tốt, và trách nhiệm của người dân với thành phố đó cao, thì rõ ràng đó là một đô thị đáng sống. Công nghệ có thể thúc đẩy cho quá trình này ngày càng nhanh chóng và hoàn thiện hơn.
Vậy đâu là những quy định, những chính sách mà chính quyền cần có để tạo động lực và dần hình thành thói quen đó cho người dân và cùng người dân thực hiện? Trên thực tế, không có bất cứ khuôn mẫu hay mô hình chung, duy nhất nào có thể được đem ra áp dụng dập khuôn cho các thành phố, do sự khác biệt về quy mô, dân cư, kinh tế, địa lý, văn hóa … hay giữa các đô thị phương Tây với Á Đông cũng đã khó có thể tìm thấy những điểm chung. Vì vậy, Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh nhất thiết phải có chiến lược xây dựng thành phố thông minh của riêng mình, chứ không thể hướng tới việc trở thành Paris hay Singapore. Tuy nhiên, những kinh nghiệm và giải pháp mà một số đô thị đi trước đã vận dụng tương đối thành công, hoàn toàn vẫn có thể trở thành bài học đáng giá để chúng ta tham khảo.