Lý giải về đề xuất này, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, việc bỏ tem nộp phí sử dụng đường bộ sẽ giảm bớt thủ tục về tem, tránh
phát sinh các chi phí, chủ phương tiện cũng chỉ cần nộp qua tài khoản.
Ngoài ra, dù không dán tem, nhưng việc nộp phí, thu phí hoàn toàn kiểm
soát được vì thực hiện qua mạng internet.
Hiện nay việc thu phí sử dụng đường bộ được thực hiện tại các cơ quan đăng kiểm phương tiện cơ giới trên toàn quốc. Theo quy định, sau khi nộp phí, chủ phương tiện sẽ được cơ quan đăng kiểm cấp tem nộp phí sử dụng đường bộ để dán trên kính trước của xe bên cạnh tem kiểm định.
Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc dán tem nộp phí sử dụng đường bộ nhằm giúp các lực lượng chức năng kiểm soát phương tiện khi lưu thông trên đường, nhưng do không có chế tài xử phạt, dẫn đến việc lãng phí cho đơn vị thu phí và gây phiền hà cho chủ phương tiện.
Giải thích của cơ quan này cũng cho hay, không khó để kiểm soát việc nộp phí của các chủ phương tiện. Lý do là vì các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới hoàn toàn có thể tra cứu xem phương tiện đó đã nộp phí hay chưa, nộp phí đến thời điểm nào. Trên cơ sở dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm sẽ xác định chu kỳ nộp phí tiếp theo của phương tiện mà không căn cứ vào tem nộp phí sử dụng đường bộ.
Thời gian qua dù chủ trương thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện được triển khai nhưng rất nhiều chủ phương tiện không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ nộp phí và khi đến kỳ đăng kiểm mới phải nộp truy thu mà không hề bị xử phạt hay phải nộp thêm một khoản phí nào khác, dẫn đến không công bằng cho các chủ phương tiện nộp phí đúng hạn.
Vì vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Cục sẽ công bố danh sách xe nộp chậm, số tiền nộp chậm trên trang web của Cục.
Chủ phương tiện sau khi nộp phí sẽ được cập nhật trên hệ thống, lực
lượng thanh tra, CSGT tuần tra hoàn toàn có thể kiểm tra được xe nào
nộp, chưa nộp trên hệ thống qua mạng cùng với các thông số kỹ thuật của
xe.
Theo đó với xe nộp chậm phải chịu lãi suất nộp chậm trên cơ sở lãi suất ngân hàng, chia ra 3 mức:
Cụ thể, với các phương tiện chậm nộp phí từ 1-12 tháng thì sẽ phải nộp phí bằng 105% mức phí hằng tháng nhân với số tháng chậm nộp.
Với các phương tiện chậm nộp phí từ trên 12-24 tháng thì sẽ phải nộp phí bằng 108% mức phí hằng tháng nhân với số tháng chậm nộp.
Đối với các phương tiện chậm nộp phí trên 24 tháng thì sẽ phải nộp phí bằng 115% mức phí hằng tháng nhân với số tháng chậm nộp.
Hiện Cục Đăng kiểm và các cơ quan liên quan cũng đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 18 về thu phí bảo trì đường bộ theo hướng bỏ thu phí với xe máy, dự kiến có thể áp dụng từ đầu năm 2016.