Chiều 19/9, Tổ chức nghiên cứu độc lập về chuyển đổi năng lượng Việt Nam (VIET) đã làm lễ ra mắt chính thức. Đây sẽ là cầu nối hợp tác giữa các nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách nhằm đưa ra các quyết định phù hợp, thúc đẩy hệ thống năng lượng Việt Nam phát triển với độ tin cậy cao và bền vững.
VIET cho biết, sự độc lập của mình có nguồn gốc từ sự độc lập trong nghiên cứu của từng
chuyên gia; và là một Doanh nghiệp Xã hội, mọi lợi nhuận
đến từ các hoạt động của VIET sẽ đều được tái đầu tư cho nghiên cứu và
giáo dục.
Được thành lập vào cuối năm 2018, 4 hoạt động chính của VIET hiện nay là (i) nghiên cứu hướng đến các
chủ đề liên quan đến chính sách kinh tế năng lượng quốc gia và bảo vệ
khí hậu, (ii) tư vấn, phân tích và dự báo liên quan đến các vấn đề năng
lượng và bảo vệ khí hậu, (iii) gắn kết các chuyên gia đầu ngành trong
chính phủ và học thuật để đem lại các giải pháp, phân tích và khuyến
nghị chính sách chất lượng cao và (iv) đào tạo thực tập sinh, nghiên cứu
sinh.
“Hiểu rằng các nhà hoạch định chính hay thường phải đối mặt với các vấn đề quan trọng và cấp bách, VIET chủ trương phát triển mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế để cung cấp kịp thời các bằng chứng vững chắc, hỗ trợ cho quá trình ra quyết định", bà Ngô Tố Nhiên, thành viên VIET cho biết.
Trong khi đó, TS. Hà Minh Dương, Chủ tịch
VIET, khẳng định, “Các đối tác có thể an tâm
khi trích dẫn các nghiên cứu của VIET vì chúng được thực hiện với những
tiêu chuẩn khoa học quốc tế cao nhất”.
Trong phiên thảo luận tại lễ ra mắt, VIET đưa ra 07 khuyến nghị chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng của ngành điện Việt Nam – được đề xuất bởi nhóm chuyên gia nghiên cứu của VIET với sự hợp tác về chuyên môn và kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế:
1. Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia (Quy hoạch điện 8) là cơ hội thiết lập lộ trình phát triển hệ thống điện theo hướng phát thải carbon thấp.
2. Tăng cường hiệu quả trong cung cấp và sử dụng năng lượng đem lại lợi ích tăng trưởng kinh tế.
3. Chi phí sản xuất điện gió và điện mặt trời đã có thể cạnh tranh được với chi phí sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch.
4. Các chính sách phù hợp có thể giúp đạt được và thậm chí là vượt các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo.
5. Tích hợp năng lượng gió và mặt trời vào hệ thống điện: là vấn đề trước mắt cần phải giải quyết đòi hỏi sự điều chỉnh nguồn phát và quản lý phía nhu cầu một cách linh hoạt.
6. Cải cách thị trường điện là cần thiết để thu hút đầu tư phát triển và đa dạng hóa nguồn điện, các nhà đầu tư tư nhân ưa thích đầu tư cho các nguồn điện tái tạo hơn.
7. Nhiệt điện khí sạch hơn nhưng không giải quyết triệt để được bài toán về an ninh năng lượng
Quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn vào việc cắt
giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu cam
kết quốc gia của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu
COP21 (Paris, 2015) cũng như các cam kết quốc tế khác liên quan đến phát
triển bền vững mà Việt Nam đã tham gia trong thời gian gần đây.
Hoàng Nam