Các nhà khoa học nhận giải bao gồm: bác sĩ Vương Ngọc Lan - Trường Đại học Y Dược TPHCM với công trình "Thụ tinh trong ống nghiệm: Chuyển phôi tươi và chuyển phôi đông lạnh có hiệu quả như nhau"; bác sĩ Hà Tấn Đức - Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ - với công trình "Xây dựng mô hình tiên lượng tử vong ở bệnh nhân cấp cứu"; bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan - Đại học Tôn Đức Thắng - với "Ảnh hưởng của lượng mỡ và lượng cơ đến loãng xương", TPHCM; và bác sĩ Ngô Tất Trung - Bệnh viện Quân y 108, Hà Nội - với công trình "Tối ưu hóa phương pháp PCR cho việc chẩn đoán nhiễm trùng máu". Mỗi nhà khoa học sẽ được trao 30 triệu đồng và một chứng nhận về thành tựu nghiên cứu.
Bác sỹ Vương Ngọc Lan, Trường Đại học Y Dược TPHCM, một trong 4 nhà khoa học đoạt giải Alexandre Yersin. Ảnh: INT
Giải thưởng Alexandre Yersin là sáng kiến của Hội Y khoa Thụy Sỹ - Việt
Nam (HELVIETMED), trao cho những công trình y khoa xuất sắc nhằm ghi
nhận những đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam cho nền y học thế
giới. Đây là năm đầu tiên giải thưởng Alexandre Yersin được tổ chức và trao cho những công trình đã công bố trong 5 năm qua. Những năm tiếp theo sẽ trao cho những công trình đã công bố trong vòng 2 năm.
Những công trình được giải sau quá trình tuyển chọn từ hơn 80 hồ sơ ứng viên bởi Hội
đồng thẩm định gồm các giáo sư và bác sĩ Thụy Sĩ, Pháp và Úc. Việc đánh giá dựa trên 5 tiêu chí: Phẩm chất khoa học, ảnh hưởng trong lâm sàng, ảnh hưởng
trong khoa học, tính cách tân, và uy tín của tập san khoa học.
Trao đổi với Khoa học và Phát triển, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Đại học New South Wales; và Đại học Công nghệ Sydney), chủ trì hội đồng thẩm định của giải thưởng, cho biết điểm đặc biệt của giải thưởng Alexandre Yersin là chỉ dành cho công trình nghiên cứu được thực hiện ở Việt Nam và chủ trì bởi nhà khoa học Việt Nam. Qua công bố quốc tế, các nhà khoa học này đã giúp xây dựng uy danh của Việt Nam trong cộng đồng khoa học thế giới.
Giải thưởng được lập ra để vinh danh bác sĩ Alexandre Émile-John Yersin (1863 – 1943), người đã khám phá vi trùng dịch hạch Yersinia pestis. Trong thời gian dài sống ở Việt Nam, ông đã khám phá ra Cao nguyên Lâm Viên và vạch ra con đường bộ từ Trung Kỳ sang Cao Miên, đồng thời là người thành lập và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y Đông Dương (tiền thân của Đại học Y Hà Nội).