Đó là ý kiến của Giáo sư - tiến sỹ (GS-TS) Trần Ngọc Hiên - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về kinh tế - tại tọa đàm về tổ chức đề án phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” - diễn ra chiều 27/4 tại Hà Nội.
Hình thành văn hóa sáng tạo
Trình bày dự thảo đề án, ông Trần Văn Sinh - Trưởng ban Phong trào, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) - dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy: Năng suất lao động xã hội năm 2016 của Việt Nam ước đạt 84,5 triệu đồng/lao động (tương đương 3.853USD/lao động).
Chỉ số này mặc dù tăng đều qua các năm nhưng vẫn ở mức thấp so với các nước ASEAN. Cụ thể, năm 2015, năng suất lao động xã hội của Việt Nam đạt 3.660USD/người, chỉ xấp xỉ bằng 5% của Singapore, 20% của Malaysia, 35% của Thái Lan, 50% của Philippines và Indonesia.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu kết luận tọa đàm. Ảnh: Lê Văn
Trong nhiều nguyên nhân kìm hãm năng suất lao động, ông Trần Văn Sinh nhấn mạnh một nguyên nhân là cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành chưa thực sự quan tâm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và quản lý. Chính sách khuyến khích khoa học và công nghệ còn bất cập, chưa tạo được động lực thúc đẩy sáng tạo và phát huy tối đa sáng kiến ở người lao động.
Trong khi đó, nhu cầu nâng cao mức sống người dân, phát triển đất nước bền vững, tận dụng thời cơ và vượt qua thách thức của hội nhập quốc tế đang đòi hỏi những bước chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.
Để cải thiện tình trạng trên, dự thảo đề án phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” xác định mục tiêu đến năm 2020 hoạt động sáng tạo ở các ngành, giới, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan... trở thành phong trào có sự chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của người lao động, dần trở thành một yếu tố văn hóa (văn hóa sáng tạo) trong cuộc sống của người Việt Nam; định hình cơ bản các chính sách để tạo ra hệ sinh thái sáng tạo.
Các mục tiêu khác của đề án bao gồm: Kết nối mạnh mẽ các cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực trình độ cao với các doanh nghiệp; góp phần hình thành các doanh nghiệp mạnh, có khả năng hội nhập và cạnh tranh quốc tế, hình thành các sản phẩm chủ lực quốc gia; phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ; hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về các nhà khoa học Việt Nam, các công nghệ sẵn sàng chuyển giao...
Cần tiêu chí kiểm tra chất lượng
Tại buổi tọa đàm về đề án, nhiều chuyên gia cho rằng việc tạo phong trào thi đua sáng tạo trên cả nước để nâng cao năng suất lao động là cần thiết. Theo GS-TS Trần Ngọc Hiên, tiềm năng trí tuệ trong xã hội hiện chưa được khai thác hết; nhiều người thích những gì đã có sẵn, không muốn sáng tạo cái mới.
Giáo sư – tiến sỹ Trần Ngọc Hiên phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Lê Văn
“Phải tạo môi trường sáng tạo để người làm cái mới không bị cạnh tranh và răn đe, để họ đủ sức vùng vẫy trong một môi trường khuyến khích sáng tạo. Cần xây dựng tổ chức khuyến khích quản lý sáng tạo có giá trị thực tiễn chứ không chỉ thi đua khen thưởng; tạo điều kiện để những người mong muốn sáng tạo có thể thực hiện ý tưởng của mình. Nên có những tổ chuyên gia liên ngành để kịp thời đánh giá các sáng tạo cá nhân” - GS Hiên đề nghị và lưu ý, khi tổ chức phong trào thi đua sáng tạo, cần kiểm tra chất lượng dựa trên những tiêu chí cụ thể để phong trào không chỉ là “hô hào suông, cờ dong trống mở”.
GS-TSKH Nguyễn Quang Thái - Hội Khoa học kinh tế Việt Nam - góp ý, để đề án đạt kết quả tốt, phải có những tiêu chí giúp đo đếm, đánh giá được kết quả thực hiện: “Năng suất lao động đo bằng cái gì, trong nông nghiệp và từng ngành nghề ra sao. Trước mắt chỉ nên đưa tiêu chí điển hình, trong quá trình thực hiện sẽ có tổng kết bổ sung để tránh bệnh hình thức”.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, các ý kiến đóng góp trong buổi toạ đàm sẽ được ban soạn thảo chắt lọc để hoàn thiện đề án. Dự kiến phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” sẽ được phát động vào ngày 18/5/2017 - Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, lập thành tích chào mừng 127 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.