Trục liên thông văn bản quốc gia chính thức kết nối 95/95 bộ, ngành, địa phương và dự kiến tiết kiệm hàng năm 1.200 tỷ đồng.
Đúng 15.00 chiều ngày 12/3/2019, Trục liên thông văn bản quốc gia – một nền tảng kỹ thuật kết nối từ Văn phòng Chính phủ (VPCP) tới các bộ, ngành, địa phương để gửi, nhận các văn bản điện tử - đã chính thức được khai trương.
Ngay tại hội trường, các chuyên viên, lãnh đạo các cấp đã thực hiện thao tác gửi chuyển 1 văn bản hành chính kèm chữ ký số vào Trục liên thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhận và ký duyệt. Chỉ vài phút sau, văn bản có hiệu lực pháp lý này được chuyển đến các tỉnh trên hệ thống. Hai đầu cầu Nam Định và Sóc Trăng ngay lập tức cho biết họ đã nhận được Quyết định số 274 ngày 12/3/2019 của Thủ tướng phê duyệt đề án “Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia”.
Việc Thủ tướng Chính phủ ký duyệt đề án Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia bằng hệ thống điện tử đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam về quyết tâm cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử.
Thay đổi tư duy giấy tờ
Căn cứ pháp lý chính thức để hình thành Trục liên thông văn bản quốc gia là Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước. Đây được đánh giá là một trong những bước cơ bản cho quá trình chuyển đổi số của Chính phủ.
Trong gần 6 tháng kể từ khi QĐ28 có hiệu lực thi hành, VPCP đã phối hợp với VNPT xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ phân tán ngang hành (peer-to-peer) và thử nghiệm qua 3 giai đoạn mở rộng dần ở các cơ quan hành chính công các cấp.
Tính đến thời điểm hiện tại, 95/95 bộ, ngành, địa phương đã kết nối với Trục, trong đó 63 cơ quan đã chuẩn bị được máy chủ bảo mật dùng riêng để tích hợp chứng thư số chuyên biệt do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp; 32 cơ quan còn lại sử dụng máy chủ chung do VPCP cung cấp. Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch tập đoàn VNPT, cho biết các trung tâm dữ liệu trong hệ thống đạt tiêu chuẩn quốc tế Tier 3. Số liệu từ VPCP chỉ ra, trong vòng 1 tháng đầu năm 2019 có 8.315 văn bản gửi và 19.296 văn bản nhận điện tử lưu thông trên Trục.
Theo tính toán sơ bộ của Ngân hàng Thế giới (WB), đơn vị hợp tác tư vấn về chính phủ điện tử cho Việt Nam, việc ứng dụng Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia sẽ tiết kiệm được hơn 1.200 tỷ đồng/năm từ việc giảm chi phí giấy mực, in ấn, chuyển phát, nhân lực, thời gian và đã tính đến chi phí thuê dịch vụ của VNPT. Trong khi văn bản hành chính cũ mất khoảng 3 ngày để tới được các cấp, thì sử dụng phương thức lưu thông điện tử trên Trục sẽ rút ngắn thời gian xuống còn 3 phút.
Dự kiến, đến quý IV/2019, Trục liên thông văn bản quốc gia, cùng với các phần mềm quản lý thuộc một số dự án trong xây dựng chính phủ điện tử sẽ được tích hợp vào một nền tảng chia sẻ dữ liệu phân tán chung là VDXP.