Sáng chế này đã đạt giải nhì tại cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc năm 2016 khu vực phía Nam.
Ý tưởng đến từ một bản tin
Quách Đức Huy chia sẻ ý tưởng thiết kế, cải tạo nhà ở giảm thiểu ô nhiễm cho dân cư khu vực lân cận bãi rác Khánh Sơn đến khá tình cờ khi em xem được bản tin nói về tình trạng người dân ở đây chặn không cho xe vào bãi rác vì mùi hôi nồng nặc.
“Để có dữ liệu xây dựng các giải pháp cho đề tài, 3 cô trò phải đi tìm hiểu thực tế tại bãi rác Khánh Sơn và nhà dân ở khu vực lân cận.
Lần đầu tiên, cô trò cứ cổng chính đi vào nên bị bảo vệ chặn lại, thế là phải quay ra, sau hỏi thăm mới biết cách “đi chui” từ nhà dân vào” – cô Trần Thị Thu Nga, GV chủ nhiệm cũng đồng thời là GV hướng dẫn đề tài của Huy và Duyên kể.
“Nhà ở của các hộ dân ở khu vực lân cận bãi rác Khánh Sơn chủ yếu là nhà cấp bốn, ngoài ra, khu vực này còn gần với công trường khai thác đá nên người dân ngoài hít thở mùi hôi từ bãi rác còn phải hứng chịu cả bụi đá.
Qua tìm hiểu, chúng em còn nhận thấy người dân còn bị nhiễm khí độc do đốt rác thủ công khi những người nhặt rác đốt các loại nhựa thu lượm được để lấy lõi đồng, các đám cháy này chứa rất nhiều khí độc và thường cháy âm ỉ, kéo dài” - Huy cho biết.
Sau lần khảo sát đầu tiên, Đức Huy và Mỹ Duyên cùng cô giáo còn trở lại khu vực Khánh Sơn thêm 3 lần nữa để đo các thông số kỹ thuật có liên quan, tiến hành thực nghiệm tại một hộ dân.
Để có máy móc đo đạc, cô Thu Nga phải liên hệ với Trung tâm nghiên cứu bảo vệ môi trường của ĐH Đà Nẵng mới có đủ các thiết bị đo khí và phân tích.
Nguyên tắc “rẻ, bền và dễ thực hiện, áp dụng được trên ngôi nhà mà người dân đang ở” được Huy và Duyên ưu tiên khi tìm các giải pháp xây dựng, cải tạo nhà nhằm giảm thiểu ô nhiễm bởi đại đa số dân cư sống ở các khu vực này là những người nghèo, thu nhập thấp.
“Giải pháp sử dụng hệ thống cây xanh có tác dụng lọc khí, hấp thụ các chất gây ô nhiễm, diệt muỗi, các loại côn trùng khác, xua đuổi rắn…để cải thiện không gian sống như trồng cây bạc hà, cây hành tăm xung quanh nhà; bố trí trồng cây lưỡi hổ, lô hội, lan ý, dương xỉ… trong nhà vẫn là giải pháp chính của ý tưởng” – Huy cho biết.
Ngôi nhà kỳ diệu
Ngoài giải pháp dùng hệ thống cây xanh lọc không khí, mô hình ngôi nhà giảm thiểu ô nhiễm cho người dân khu vực bãi rác Khánh Sơn của Đức Huy và Mỹ Duyên còn kết hợp sử dụng một số giải pháp kỹ thuật khác như sử dụng loại sơn có chứa TiO2 (Titan Đioxit) để sơn phủ lớp tôn lợp mái nhà và gạch lát sân nhằm oxi hóa khí độc; thiết kế hệ thống lam cửa linh hoạt xoay theo nhiều hướng; thiết kế hệ thống cửa lưới cho cửa chính và cửa sổ bằng sợi thủy tinh bọc nhựa.
Trần Mỹ Duyên chia sẻ: “Ngoài tìm kiếm các tài liệu, thông tin trên mạng, trong đó có những thông tin em phải dịch từ tiếng Anh, có những kiến thức chúng em chưa học đến nên phải nhờ đến sự hỗ trợ, tư vấn của thầy, cô giáo”.
Từ những kiến thức tổng hợp được, Duyên và Huy sử dụng sơn phủ có chứa các hạt nano titan điôxít (TiO2) cho mái nhà và cho gạch lát sân nhà.
“Titan điôxít (TiO2) có tính chống ăn mòn cao, không thấm nước, có độ bền hóa, bền nhiệt, bền cơ học cao, có khả năng phản ứng với ánh sáng để trung hòa các tác nhân gây ô nhiễm không khí. Titan đioxide (TiO2), một chất quang xúc tác có thể ôxy hóa các chất gây ô nhiễm không khí độc hại thải ra do các nhiên liệu hóa thạch bị đốt cháy. Khi tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, TiO2 phá vỡ các ôxit nitơ trong không khí và biến chúng thành canxi nitrat vô hại. Chất canxi nitrat này sẽ rửa sạch mái nhà với lượng mưa bình thường và là một loại phân bón thông dụng cho cây trồng” – Đức Huy giải thích.
Hệ thống cửa của mô hình nhà được hai bạn thiết kế dạng hình cánh buồm, có thể dùng tay điều chỉnh linh hoạt xoay theo nhiều hướng để giảm bụi và khí độc từ đám cháy nhỏ một cách chủ động.
“Chúng em nhận thấy hiện trạng nhà của người dân Khánh Sơn là nếu đóng cửa để tránh mùi hôi thối từ bãi rác thì trong nhà rất nóng vì chỉ có một hướng cửa cố định, không khí không thể đối lưu được. Với thiết kế cửa dạng hình cánh buồm có điều chỉnh thì sẽ có nhiều luồng đón gió hơn” – Huy giải thích.
Bên trong hệ thống cửa chính và cửa sổ của ngôi nhà, hai bạn còn thiết kế hệ thống cửa lưới bằng sợi thủy tinh bọc nhựa. Loại cửa lưới này với các mắt lưới nhỏ và làm bằng sợi thủy tinh không gỉ, có niên hạn sử dụng dài, có khả năng chống các loại bụi bẩn, côn trùng…
Ngoài ra, để lọc khí, theo thiết kế, một màng lọc bằng than hoạt tính trên đường di chuyển của luồng không khí để bắt giữ bụi, các hạt tạp chất, khí độc, khử mùi, diệt khuẩn… làm cho không khí vào nhà sạch hơn.
Hệ thống màng lọc dễ dàng thay thế hoặc tháo gỡ để làm vệ sinh đồng thời có giá thành thấp. “Hệ thống lấy khí này đặc biệt cần thiết trong những ngày lượng mùi hôi lớn, người dân buộc phải đóng tất cả các cửa của ngôi nhà lại. Khi đó quạt lấy khí này sẽ giúp đưa khí vào nhà để ngôi nhà không bị thiếu khí và có khí sạch” – Huy cho biết.
Chi phí cho tất cả các giải pháp này chỉ xấp xỉ 10 triệu đồng trong trường hợp cải tạo một ngôi nhà đang ở với diện tích 100m2; trong trường hợp xây mới, theo tính toán của hai bạn, sẽ tăng khoảng 4 – 5% chi phí xây dựng.
Quách Đức Huy chia sẻ: “Quá trình tìm hiểu các giải pháp và thực nghiệm mô hình đã cho chúng em thấy rằng, những tiết học lý thuyết, các kiến thức trong sách giáo khoa hỗ trợ rất nhiều trong việc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Và lý thuyết sẽ được khắc sâu hơn khi được áp dụng, gắn liền với thực tiễn”. Đức Huy và Mỹ Duyên cho rằng, quá trình thực hiện đề tài đã giúp các em biết cách làm việc nhóm, biết lắng nghe, phản biện, hình thành kỹ năng tìm hiểu, xử lý thông tin cũng như khả năng thuyết trình…
“Chúng em biết được phương pháp vận dụng lý thuyết để lý giải một số hiện tượng trong đời sống nên kiến thức cũng được khắc sâu hơn chứ không chỉ nghĩ đơn giản như trước đây là học để làm bài tập lấy điểm” – Huy cho biết.