Biến đất độc thành đất nông nghiệp
Hơn 20 năm lao động khoa học, tên tuổi của PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà đã gắn liền với các công trình nghiên cứu trong ngành công nghệ sinh học. Bà đã làm chủ nhiệm gần 30 đề tài, dự án, nhánh đề tài các cấp, công bố hơn 160 công trình KH&CN trong và ngoài nước. Trong đó, bà đã có 10 năm miệt mài với chuỗi công trình nghiên cứu xử lý đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Đà Nẵng và Biên Hòa bằng công nghệ phân hủy sinh học (bioremediation).
Với công nghệ này, đất nhiễm dioxin có thể biến thành đất nông nghiệp với chi phí bằng 5%-10% công nghệ Mỹ, mở ra cơ hội làm sạch đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin ở các điểm nóng với chi phí thấp, phù hợp với điều kiện KH&CN hiện nay của Việt Nam. Để vượt qua được những khó khăn, áp lực trong chuyên môn cũng như khi làm việc nhiều năm trong môi trường ô nhiễm bởi hóa chất, PGS.TS Cẩm Hà tâm sự: Những khi phải đối mặt với khó khăn, những lúc nản lòng, tôi lại động viên mình và các đồng nghiệp cố gắng vượt qua vì những nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc, vì những người anh em, bè bạn đã không bao giờ trở về từ chiến trường.
Không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, các công trình nghiên cứu của bà gắn với công nghệ phân hủy sinh học, làm sạch môi trường đã đem lại nhiều lợi ích cho xã hội. Công nghệ xử lý nước ô nhiễm dầu từ năm 1998 cho đến nay vẫn được áp dụng tại 5 kho chứa xăng dầu lớn nhất của miền Bắc nhưng chất lượng nước và chất thải rắn vẫn được đánh giá đạt tiêu chuẩn cao của Việt Nam. Còn với công nghệ xử lý loại màu thuốc nhuộm hoạt tính bằng tổ hợp của các enzyme laccase, hầu hết các màu thuốc nhuộm hoạt tính tổng hợp và thương mại hiện đang sử dụng để nhuộm vải ở Việt Nam đều được loại bỏ ở các mức độ khác nhau trong thời gian ngắn. Công nghệ này còn có thể được ứng dụng để xử lý cả các chất ô nhiễm nồng độ thấp khác...
Không chỉ đam mê nghiên cứu khoa học, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà còn dành nhiều tâm huyết cho công tác đào tạo cán bộ trẻ, góp thêm cho nền khoa học những nhà khoa học yêu nghề và đã bắt đầu tạo dựng được sự nghiệp khoa học riêng của họ.
Ứng dụng kỹ thuật hiện đại để cứu người bệnh
Người thứ hai được Giải thưởng Kovalevskaia vinh danh là TS. BS Phạm Thị Ngọc Thảo, hiện là Phó Giám đốc phụ trách Hệ hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Trưởng Bộ môn Hồi sức - Cấp cứu - Chống độc của Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh. Những đề tài tiêu biểu mà chị đã chủ trì và tham gia là "Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật lọc máu hiện đại trong cấp cứu, điều trị một số bệnh", "Ghép gan trên người cho gan sống và người hiến tạng chết não", "Ghép thận trên người hiến tạng tim ngừng đập"…
Trong đó, nhánh nghiên cứu "Hiệu quả lọc máu liên tục trong sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng", thực hiện từ năm 2010 - 2013, là đề tài mang lại hiệu quả và tính ứng dụng cao. Bác sĩ Ngọc Thảo cho biết, việc áp dụng kỹ thuật lọc máu nói trên đã giúp ngành hồi sức cấp cứu được thêm nhiều bệnh nhân tưởng như không còn hy vọng sống, góp phần làm giảm sự tiến triển của suy đa tạng. Chi phí chữa bệnh cũng như thời gian nằm viện của bệnh nhân giảm đi đáng kể. Kỹ thuật này hiện đã được chuyển giao cho nhiều bệnh viện tuyến tỉnh khác.
Thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế về luân phiên cán bộ, bác sĩ Ngọc Thảo được phân công chịu trách nhiệm 2 tỉnh Trà Vinh và Đồng Tháp. Tại Bệnh viện tỉnh Trà Vinh, chị thực hiện điều trị cho 60 bệnh nhân nội trú, phẫu thuật 254 bệnh nhân, giảm tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến trên tới 20%. Tại Bệnh viện tỉnh Đồng Tháp, chị hướng dẫn thực tế trên 80 bệnh nhân, mở lớp siêu âm thực hành 3 tháng với 25 học viên, giảm tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến trên 15,4%.
Nói về những điều đã làm được, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo cho rằng mình là người may mắn khi được làm việc trong một tập thể với những đồng nghiệp đầy tinh thần hỗ trợ và hết mình vì người bệnh. Mong ước của chị là một ngày nào đó sẽ viết về các tấm gương đồng nghiệp và sự hy sinh thầm lặng của những người khoác áo trắng.
Lựa chọn con đường đầy chông gai và có nhiều thách thức, những người phụ nữ làm khoa học, dù ở các lĩnh vực khác nhau, đều chung một niềm say mê công việc, dám nghĩ, dám làm, có những ý tưởng sáng tạo, đưa kết quả nghiên cứu vào áp dụng đạt hiệu quả cao, đóng góp sức mình cho sự phát triển của xã hội.