Thay vì bỏ phiếu kín, việc chọn ra các công trình để xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5 được thực hiện theo hình thức bỏ phiếu buộc các ủy viên hội đồng thể hiện chính kiến bằng cách ký tên vào từng lá phiếu ghi rõ thông tin về mình.
Bỏ phiếu công khai
GS-TSKH Vũ Minh Giang - Ủy viên Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN), Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước về lĩnh vực lịch sử - văn hóa cho biết, tổng số các công trình và cụm công trình sau vòng sơ loại được các bộ, ngành và địa phương gửi lên, có 61 công trình được lựa chọn sau quá trình thẩm định, đánh giá một kỹ lưỡng, công tâm, khách quan với 19 hội đồng ngành và liên ngành thuộc 19 lĩnh vực.
GS-TSKH Vũ Minh Giang. Ảnh Loan Lê.
Theo quy định hiện hành, các công trình đề nghị xét giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về KH&CN đều phải đảm bảo 3 tiêu chí cơ bản. Thứ nhất, đó phải là một công trình thật xuất sắc về khoa học, công nghệ. Mức độ xuất sắc thể hiện ở chỗ đặc biệt suất xắc hay là xuất sắc, đó là sự phân biệt giữa giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh.
Thứ hai, công trình phải có đóng góp hiện hữu, rõ ràng về mặt khoa học, tức là sự xuất sắc của nó phải giúp giải quyết được một vấn đề lớn và được ghi nhận bởi giới khoa học quốc tế - thường là thông qua công bố quốc tế bằng việc xuất bản hoặc đăng trên tạp chí có uy tín cao trên thế giới.
Thứ ba, công trình phải có ý nghĩa thực tiễn trong việc đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, sự nghiệp cách mạng và có hiệu ứng xã hội.
GS Phan Huy Lê - tác giả công trình "Lịch sử và văn hóa Việt Nam: Tiếp cận bộ phận", được đề nghị xét giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt 5. Ảnh Loan Lê.
Sau khi thảo luận trong hai ngày, hội đồng đi tới bỏ phiếu. GS Giang cho biết, cách bỏ phiếu lần này rất đặc biệt. Mỗi ủy viên thể hiện chính kiến của mình một cách công khai, tức là ký tên vào từng lá phiếu ghi rõ mọi thông tin về mình. Ủy viên chọn hay không chọn công trình nào thì phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.
“Tôi nghĩ rằng khi đưa ra quyết định, các ủy viên đã suy nghĩ rất kỹ và luôn luôn có cách phải biện cho chính mình, lý giải tại sao mình đưa ra quyết định đó. Với cách làm như thế, theo tôi, quyết định đó nghiêm túc và có chất lượng, các ủy viên có trách nhiệm hơn với lựa chọn của mình”.
Xứng đáng với diện mạo nền khoa học nước nhà
Kết quả của cuộc bỏ phiếu là 16 công trình được chọn, chiếm 26%. Hội đồng thống nhất rằng những công trình được chọn đều rất xứng đáng trên tất cả các phương diện về tiêu chí, uy tín khoa học trong giới và ảnh hưởng quốc tế.
Nói về kết quả này, GS-TSKH Vũ Minh Giang cho biết: “Nhận xét bao trùm của tôi chúng ta đã tuân thủ đúng quy trình, hội đồng làm việc khách quan và có trách nhiệm với từng lá phiếu, điều quan trọng là đã góp phần nâng cao hơn uy tín của giải thưởng. Chúng ta có giải thưởng quốc gia được trân trong, nâng niu vì uy tín khoa học, giá trị của công trình đã được thừa nhận”.
GS-TSKH Nguyễn Quang Hồng - tác giả của công trình "Khái luận văn tự học chữ Nôm" được đề nghị xét tặng giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt V. Ảnh Loan Lê.
“Trong quy định của giải thưởng, nhân thân của tác giả cũng có được xét tới nhưng điều chủ yếu là đánh giá về chất lượng khoa học của công trình. Với ý nghĩa đó, 16 công trình vừa được chọn theo tôi là hoàn toàn xứng đáng đáng là diện mạo khoa học công nghệ nước nhà và tôi tin được cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá cao” – GS Giang nói và cho biết, giải thưởng lần này ghi nhận nhiều công trình nổi bật trong lĩnh vực y tế, đáp ứng nhu cầu, bức xúc của xã hội. Số công trình về khoa học xã hội - nhân văn tuy không nhiều nhưng lại chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong các công trình được giải.