Chiều 27/11, trả lời câu hỏi của Báo Khoa học & Phát triển về “năng lực” của Luật An toàn thông tin mạng, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Luật đảm bảo được an toàn thông tin cho hệ thống, bảo đảm được bí mật an ninh, quốc phòng và thông tin của người dân".

Luật An toàn thông tin mạnglà 1/16 luật được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, trong bối cảnh Internet đã trở thành một trong những nguyên nhân nảy sinh chủ nghĩa khủng bố kiểu mới, được liên kết bằng các mạng lưới giao tiếp điện tử.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, các phần tử khủng bố sử dụng nhiều công cụ khác nhau, trong đó có công nghệ thông tin. Vì vậy, các cơ qua soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã rút kinh nghiệm để đưa ra những giải pháp bảo đảm được bí mật an ninh, quốc phòng và thông tin của người dân.

Sau hơn 1 tháng làm việc, từ 20/10 đến 27/11, Quốc hội đã cơ bản hoàn thành chương trình nghị sự đề ra với việc xem xét quyết định nhiều nội dung về lập pháp, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thảo luận, thông qua 16 luật, 15 nghị quyết và cho ý kiến 10 dự án luật, trong đó có Bộ Luật Dân sự (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Báo chí, Luật tiếp cận thông tin...

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, trong đó tổng thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.014.500 tỷ đồng, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước là 254.000 tỷ đồng.

Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2016, trong đó, tổng thu cân đối là 596.882 tỷ đồng, tổng chi cân đối là 850.882 tỷ đồng, dự toán là 220.278 tỷ đồng để bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, các bộ luật, luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế trên tinh thần đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cụ thể hóa và bảo đảm các quyền hiến định của con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cũng như thể chế kinh tế thị trường.