Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng, việc Việt Nam có theo kịp Industry 4.0 hay không phụ thuộc vào cách nhìn và thành quả của cuộc cách mạng này chỉ đến nếu chúng ta đi trước...
Trong phần khảo sát nhanh, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT - đưa ra câu hỏi “Việt Nam có bắt kịp cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không?”. Có 67% người cho rằng không và 33% người trả lời có.
Theo CEO Viettel Nguyễn Mạnh Hùng, đây là kết quả đáng mừng. Bởi lẽ, mọi việc phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi người. Nếu ngay từ đầu đã nghĩ rằng không thể làm được thì tự mỗi người sẽ đều cảm thấy nản.
CEO Viettel Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ về Industry 4.0
“Nếu chúng ta cho rằng đây là cuộc cách mạng về phát hiện vấn đề và nhu cầu thì người Việt Nam có sức mạnh vô cùng lớn, bởi chúng ta là nước có thu nhập thấp, tồn tại nhiều vấn đề và có khát vọng. Nếu chúng ta nghĩ rằng đây là cuộc cách mạng của toàn dân, thì người Việt giỏi nhất thế giới trong việc phát động cách mạng toàn dân. Nếu chúng ta nhìn đây là cuộc cách mạng của những thứ siêu nhỏ, chứ không phải siêu lớn thì đây là lợi thế của Việt Nam, vì chúng ta hầu như chỉ có những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ” - ông Hùng đưa ra các luận điểm.
Cho rằng, Industry 4.0 là làm ngược lại những gì mình đang làm, ông Hùng khẳng định, cuộc cách mạng nào cũng chỉ có giá trị khi nó làm được điều người khác chưa làm và tạo ra những sự khác biệt.
Người đứng đầu Viettel nêu ví dụ: "Lâu nay, mọi người cho rằng internet là thành tựu của nhân loại nhưng không nhiều người biết rằng, công cụ này đã không còn dùng được nữa. Bởi khi chúng ta đưa ra một câu hỏi, lập tức sẽ có hàng chục, hàng trăm nghìn câu trả lời với nội dung khác nhau. Thêm vào đó, công cụ tra cứu chính là Google hiện đang thương mại hóa bằng cách đẩy những câu trả lời được trả tiền lên trên. Vì thế, nếu chúng ta tạo ra được một thứ internet có thể trả lời chính xác cho câu hỏi của mỗi người thì đó mới thực sự là internet dùng được".
Nhấn mạnh về điều kiện tiên quyết của việc Việt Nam có bắt kịp với Industry 4.0 hay không, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Chúng ta chỉ đón nhận được thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nếu chúng ta đi trước. Mỗi cuộc cách mạng chỉ đưa 4-5 nước hóa rồng và chúng ta buộc phải là người đi đầu”.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình dẫn dắt cho diễn đàn.
Đối mặt với việc đón nhận Industry 4.0, TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương - đặt vấn đề: “Bản chất của cuộc cách mạng lần này là kết nối, tạo ra tương tác giữa người, vật và thế giới số với 3 đặc điểm tức thời, hiệu quả và thông minh. Sự kết nối thần tốc đó sẽ làm cho năng suất lao động tăng lên hàng chục, hàng trăm lần. Và điều này sẽ tạo ra nhiều nguy cơ. Nếu kết nối bị gãy sẽ tạo ra sự mất an toàn trên cả hệ thống. Sự kết nối giữa các máy móc tạo thành thế giới ảo có thể làm cho con người bị lãng quên. Việc mất đi sự thân thiện, ấm cúng và xúc cảm giữa con người với con người sẽ là thách thức lớn nhất trong cuộc cách mạng này”.
Tuy nhiên, thế giới vẫn đang vận động, dù muốn hay không, Việt Nam cũng không thể để lỡ chuyến tàu lần này. Vì thế, ông Thành cho rằng, để bắt kịp chuyến tàu này, Việt Nam cần cải thiện 4 điều là Thế chế và lãnh đạo; Nguồn nhân lực số; Thể chế thúc đẩy sáng tạo trong đó doanh nghiệp là trung tâm; Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và an ninh kết nối.