Ngày 29/3, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi TW kiêm Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BV Nhi TW, cho biết, BV vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhi bị bệnh chuyển gốc động mạch đi kèm bất thường điện tim Wolff-Parkinson-White vô cùng phức tạp và nguy kịch.

Đây là trường hợp tim bẩm sinh hiếm gặp, trên thế giới chưa có trường hợp tương tự.

TS Hải cho biết, ngay khi nhập viện, tình trạng của cháu bé đã hết sức nguy kịch: Thân thể tím tái, ý thức lơ mơ, suy hô hấp nặng. Tại đây, các BS nhanh chóng xác định bé mắc một loại bệnh tim bẩm sinh, đó là chuyển gốc động mạch. “Đối với bệnh chuyển gốc động mạch, nếu không được phẫu thuật sớm, 50% trường hợp sẽ tử vong trong giai đoạn sơ sinh và 90% tử vong trong năm đầu đời” – TS Hải nhấn mạnh. Vì thế, phần lớn trẻ bị bệnh chuyển gốc động mạch sẽ được phẫu thuật trong vòng 1 tháng đầu sau sinh.

cuu-thanh-cong-mot-ca-benh-chua-co-trong-y-van-the-gioi

Ảnh minh họa

Bệnh nhi quê ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Sau khi sinh được 10 ngày bé có hiện tượng bỏ bú, quấy khóc và tím tái nhanh chóng. Sau đó gia đình đã đưa bé đến BVĐK khu vực khám và chẩn đoán sơ bộ tim bẩm sinh và chuyển lên BV Nhi TW.

Bằng phương pháp nội khoa, các BS BV Nhi TW đã dùng thuốc mở ống động mạch tái lập lại nguồn cung cấp oxy cho bệnh nhi để chuẩn bị cho ca phẫu thuật. Tuy nhiên, ngay sau khi dùng thuốc, bệnh nhi bị ngừng thở, phải cấp cứu thở máy và được đưa ngay đến phòng can thiệp tim mạch nhằm tạo một con đường cung cấp dòng máu có oxy khác để giữ bé sống tạm thời.

Sau can thiệp kết hợp với các phương pháp hồi sức tích cực, tình trạng bệnh nhi dần khá lên. Nhưng khi chuẩn bị phẫu thuật, các BS bất ngờ phát hiện bé còn bị một loại bất thường điện tim kiểu Wolff-Parkinson-White. Sự kết hợp hai loại bệnh phức tạp và nguy hiểm này khiến các BS vô cùng lo lắng, vì tìm kiếm y văn trên thế giới không có bằng chứng và trường hợp nào tương tự như vậy để tham khảo cách giải quyết.

Theo BS. Nguyễn Thanh Hải, Trưởng đơn vị Rối loạn nhịp tim, vì không thể giải quyết triệt để cùng một lúc trong một cuộc mổ, nên sau khi hội chẩn, các BS quyết định thăm dò điện sinh lý để đánh giá mức độ nguy cơ rối loạn nhịp do đường dẫn truyền bất thường có thể gây ra.

Sau khi phân tích tất cả các đặc điểm điện tim và hình thái bất thường về cấu trúc quả tim, các BS quyết định triệt đốt và phải thực hiện nhanh, gọn, hạn chế kích thích cơ học gây cơn tim nhanh, hạn chế xâm nhập gây sang chấn. Và chỉ sau 15 phút, việc can thiệp đã thành công.

Sau khi can thiệp lần hai, sức khỏe của bệnh nhi hồi phục nhanh chóng. Sau đó 3 ngày, ê kíp phẫu thuật hồi sinh nốt phần khiếm khuyết còn lại của trái tim bệnh nhi.

Cho đến nay sau 8 ngày phẫu thuật và 18 ngày nằm viện, cháu bé đã được xuất viện.