Sau 10 năm kể từ khi Luật Công nghệ thông tin (CNTT) được triển khai, hoạt động CNTT và công việc quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã hiện đại hóa một cách rõ rệt. Bộ đang từng bước triển khai các dịch vụ công trực tuyến.
Công việc quản lý hiệu quả nhờ có luật
Báo cáo tại hội nghị tổng kết 10 năm thực thi Luật CNTT của Bộ KH&CN chiều 29/6, ông Đào Ngọc Chiến - Vụ phó Vụ Công nghệ cao - cho biết sau khi luật này được phê duyệt, bộ đã tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai. Hoạt động CNTT tại Bộ KH&CN đã được quy hoạch, phát triển, ứng dụng theo đúng tinh thần của Luật CNTT và các văn bản hướng dẫn.
Trong 10 năm qua, luật đã tạo điều kiện cho bộ áp dụng triển khai các ứng dụng, hạ tầng CNTT, đáp ứng được yêu cầu phát triển và ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ hướng tới người dân và doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ của bộ.
“10 năm qua, Bộ KH&CN rất tích cực thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến CNTT và đạt được một số kết quả tích cực. Về môi trường chính sách, từ năm 2006 đến nay, bộ đã ban hành 14 văn bản liên quan đến việc triển khai Luật CNTT. Về hạ tầng kỹ thuật, hiện 95% số cán bộ, công chức, viên chức có máy tính cá nhân. Các máy tính đều được kết nối Internet băng thông rộng” - ông Hà Quốc Trung - Giám đốc Trung tâm Tin học, Bộ KH&CN - cho biết.
Nói thêm về vấn đề này ông Chiến cho hay, Bộ KH&CN luôn ưu tiên phát triển, vận hành và bảo đảm hoạt động cho các hệ thống CNTT, tổ chức quản lý và sử dụng thông tin số, văn bản điện tử, cổng thông tin của bộ và các đơn vị trực thuộc. Hiện 91% số đơn vị trực thuộc bộ sử dụng hệ thống thư điện tử; 95% số cán bộ, công - nhân viên sử dụng hòm thư điện tử trong công việc; 85% số văn bản trong bộ được sử dụng văn bản điện tử ; tỷ lệ trao đổi văn bản với các cơ quan, đơn vị bên ngoài đạt 75%.
Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng đang từng bước triển khai các dịch vụ công trực tuyến, triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, điều hành. Bộ luôn tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động tiêu chuẩn hóa, sở hữu trí tuệ, các dịch vụ đăng ký tổ chức hoạt động KH&CN, đăng ký doanh nghiệp công nghệ cao...
Bộ KH&CN đã xây dựng một số chương trình nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển CNTT, các sản phẩm CNTT và xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển nền công nghiệp CNTT. Việc phát triển nguồn nhân lực CNTT cũng được coi trọng và đẩy mạnh; đầu tư cho ứng dụng CNTT, xây dựng hạ tầng CNTT luôn được quan tâm đáp ứng kịp thời theo hướng đầu tư hiệu quả, quản lý chặt chẽ chi phí. Bộ cũng thường xuyên có các hoạt động hợp tác quốc tế với các đối tác nước ngoài và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực CNTT, chú trọng công tác đảm bảo an toàn thông tin.
Giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành
Ông Đào Đình Khả - Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ Thông tin Truyền thông - nói: “Để đánh giá việc thi hành Luật CNTT 10 năm qua, phải trả lời ba câu hỏi: Chúng ta đã làm được những gì? Cái gì cần bỏ? Cái gì cần thêm? Mục đích là sau khi sửa, bỏ và thêm thì 10-15 năm nữa, cái chúng ta đạt được sẽ vĩ đại hơn”.
Với tinh thần đó, ông Khả cho rằng Bộ KH&CN cần tập trung cho ý kiến thêm về Điều 38: Khuyến khích nghiên cứu phát triển CNTT, Điều 39 về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu phát triển CNTT, Điều 69 về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ...
Theo dự thảo báo cáo tổng kết, để nâng cao hiệu quả thi hành Luật CNTT, cần tiếp tục kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về CNTT; xây dựng mạng lưới chuyên trách CNTT ở cơ sở. Cần chú trọng khai thác CNTT như một công cụ để tiếp cận KH&CN, hướng tới các ứng dụng thiết thực, hiệu quả, góp phần hình thành xã hội thông tin, chuẩn bị cho việc quản lý xã hội theo mô hình chính quyền điện tử.
“Cuộc cách mạng CNTT đã thay đổi hoàn toàn thế giới. Tại Việt Nam, CNTT cũng đang có tốc độ phát triển nhanh chóng. Với quá nhiều thay đổi trong đời sống kinh tế - xã hội do tiến bộ kỹ thuật tạo ra, nhiều khả năng Luật CNTT cũng sẽ phải sửa đổi” - Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nói. Thứ trưởng mong rằng sau hội nghị này sẽ có nhiều ý kiến đóng góp về nhiều khía cạnh - đặc biệt là vấn đề CNTT ứng dụng cho công tác quản lý công việc hằng ngày của các đơn vị trong bộ.