Với dân số xấp xỉ 95 triệu người, tỉ lệ sử dụng Internet chiếm hơn 60%, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet. Internet Việt Nam đặt ra những thách thức và mục tiêu mới, đó là xây dựng hệ sinh thái số với các sản phẩm dịch vụ nền tảng số do người Việt tự phát triển và làm chủ.
|
Các doanh nghiệp Việt đã đủ năng lực và khát khao để làm chủ công nghệ, làm chủ thị trường trong nước về phát triển hệ sinh thái số. Ảnh: VGP/Phượng Anh
|
Phải xây dựng một “luật chơi” công bằng!
Hội thảo và Triển lãm Ngày Internet Việt Nam – Internet Day 2018 được Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA)tổ chức ngày 5/12 tại Hà Nội. Đây là sự kiện quan trọng nổi bật trong năm với cộng đồng Internet Việt Nam.
Chủ đề của Ngày Internet Việt Nam năm nay là “Internet và hệ sinh thái số Việt Nam”, hướng tới mục tiêu tạo mối liên hệ hiểu biết, hỗ trợ và kết nối giữa doanh nghiệp, người sử dụng và cơ quan nhà nước trong ngành công nghiệp Internet.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, có một thống kê đáng chú ý là thời gian sử dụng Internet trung bình của người Việt lên tới gần 7 giờ/ngày. Điều này cho thấy người Việt Nam đã dành lượng thời gian đáng kể cho các hoạt động trên không gian mạng phục vụ các nhu cầu khác nhau. Do vậy, phát triển hệ sinh thái số phục vụ người dân Việt Nam là hướng đi lâu dài, cần thiết, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội và người dân.
Hiện, các doanh nghiệp Việt đã đủ năng lực và khát khao để làm chủ công nghệ, làm chủ thị trường trong nước, thậm chí mang sản phẩm tiến ra khu vực nếu nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính sách, từ thị trường cũng như người dùng. Việt Nam cũng trở thành một điểm đến thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ nước ngoài vào đầu tư kinh doanh, hoạt động xuyên biên giới.
Tuy nhiên, cái chúng ta đang còn lúng túng là "luật chơi". Thời gian gần đây, vụ kiện thu hút nhiều sự chú ý của dư luận giữa Vinasun và Grab chính là một minh chứng. Đó không chỉ đơn giản là sự "xung đột" giữa một doanh nghiệp taxi truyền thống với một hãng vận tải công nghệ hoạt động xuyên biên giới, mà về bản chất đó là sự va chạm của các mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, mặc dù các cơ quan quản lý đã có những nỗ lực điều chỉnh, nhưng chúng ta cần thừa nhận có một độ trễ nhất định trong chính sách, khi mà thực tiễn diễn biến quá nhanh và chính sách không thể theo kịp. Đây là vấn đề chung không chỉ ở Việt Nam mà còn của các nước trên thế giới, trong đó có cả các quốc gia phát triển.
Vậy phải làm thế nào để doanh nghiệp truyền thống, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể tồn tại và cạnh tranh bình đẳng với các nhà cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ? Không có cách nào khác ngoài việc phải xây dựng một luật chơi công bằng và bình đẳng, với hiệu lực đủ mạnh để tất cả "người chơi" đều phải tuân thủ.
Xu hướng nhóm công nghệ trong tương lai
Ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng giám đốc VNG, một trong ba diễn giả của sự kiện đã có những chia sẻ mang tính toàn cảnh về Hệ sinh thái số Việt Nam,nhận định, 3 nhóm công nghệ lớn sẽ có xu hướng phát triển trong tương lai đó là Bigdata (lưu trữ và quản lý được số lượng dữ liệu khổng lồ); AI (trí tuệ nhân tạo) và IoT (mạng lưới vạn vật kết nối Internet).
Tuy nhiên, “Bigdata được ví như một nguồn tài nguyên lớn nhưng khác ở dầu mỏ là không còn biên giới. Ở Việt Nam, dữ liệu rất lớn nhưng không có sự kết nối, không có khung pháp lý rõ ràng là dùng data đến mức nào, sử dụng như thế nào. Đây là vấn đề Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn nhất”, ông Vũ Minh Trí chia sẻ.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, sẽ rất khó có thể nói đến những thành phần chính của hệ sinh thái số trong tương lai là gì, có thể không phải là mạng xã hội như Facebook, không phải mạng tìm kiếm như Google hiện nay. Hệ sinh thái số trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang thay đổi từng ngày và sẽ dịch chuyển sang các hình thái khác. Sẽ có những yếu tố buộc các loại hình dịch vụ này phải thay đổi để tồn tại, cạnh tranh và phát triển.
Thứ trưởng cũng chỉ ra 2 yếu tố đóng vai trò chính cho sự thay đổi này thời gian tới là trí tuệ nhân tạo (AI) và bảo mật cá nhân (Privacy). AI là công nghệ, các doanh nghiệp buộc phải ứng dụng AI để tăng sức cạnh tranh, thay đổi sản phẩm của mình nhanh hơn nữa để thu hút khách hàng; Privacy lại liên quan đến con người và xã hội, đến chính sách.
Các doanh nghiệp nội địa muốn sống sót, phát triển để chiếm lĩnh thị trường nội địa và xa hơn nữa là vươn ra khu vực thì không thể không quan tâm đến hai yếu tố này, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.
Để xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam, doanh nghiệp trong nước vẫn cần đóng vai trò nòng cốt trong việc thực thi. Các sản phẩm và dịch vụ do doanh nghiệp trong nước phát triển cần đáp ứng nhu cầu thực tiễn của Việt Nam, mang lại lợi ích chung cho xã hội và được đông đảo người dân đón nhận.
Các doanh nghiệp lớn cần dẫn dắt thị trường, tạo nền tảng cho các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia, cùng phát triển.
Thứ trưởng cũng cho biết, trong thời gian tới, cả ba phía cơ quan quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp cần cởi mở, chia sẻ, trao đổi và thảo luận nhiều hơn để cùng đồng hành và cùng hướng tới sứ mệnh phục vụ quốc gia, người dân Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng bày tỏ, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu sắc, Việt Nam rất hoan nghênh và chào đón sự đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế, các tập đoàn doanh nghiệp đa quốc gia. Đồng thời, mong muốn được lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng hệ sinh thái số để có hướng đi phù hợp cho Việt Nam, cập nhật xu thế mới về phát triển hạ tầng, điện toán đám mây và không kém phần quan trọng là làm thế nào để đảm bảo an toàn không gian mạng khi mà Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ.