Nguy cơ ung thư vú có thể nhất thời tăng 80% ở phụ nữ sinh con so với nguy cơ ở những phụ nữ chưa từng sinh con, một nghiên cứu mới đã kết luận.


Nhưng nguy cơ ung thư vú cao hơn 80% này không quá đáng lo ngại vì ung thư vú không phổ biến ở phụ nữ trẻ, tác giả chính của nghiên cứu, bác sĩ Hazel Nichols nói với Reuters Health.

Nichols và đồng nghiệp phát hiện ra rằng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ lên đến đỉnh vào thời điểm 4,6 năm sau lần sinh con gần nhất nhưng sau đó bắt đầu giảm. Sau 19 năm nữa, nguy cơ trở lại ở mức tương đương như của một người phụ nữ chưa bao giờ sinh con. Và từ đó, nguy cơ tiếp tục giảm xuống.

Đến thời điểm 34,5 năm sau khi sinh con lần đầu tiên, nguy cơ ung thư vú giảm xuống còn thấp hơn 23% so với rủi ro ở những phụ nữ chưa từng mang thai.

Trong khi một phụ nữ 45 tuổi chưa bao giờ sinh con có 0,62% khả năng bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú cho đến thời điểm đó trong đời, tỷ lệ mắc ung thư vú cho một phụ nữ cùng tuổi đã sinh con trong khoảng thời gian 5-7 năm trước đó chỉ cao hơn một chút, ở mức 0,66%.

Tương tự, ở tuổi 50, tỷ lệ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú là 1,95% đối với phụ nữ không có con và 2,20% đối với phụ nữ đã mang thai ở thời điểm gần đó. Chênh lệch chỉ bằng 0,25%.

Phụ nữ đã sinh con đầu lòng trước 25 tuổi không bị tăng nguy cơ ung thư vú.

“Không nên để điều này tác động khi phụ nữ quyết định sinh con bởi chúng tôi có nhìn thấy nguy cơ gia tăng vào thời điểm sau khi sinh nhưng đây vẫn là thời kỳ mà nguy cơ nhìn chung thấp khác thường,” bà nói.

Mia Gaudet, giám đốc khoa học nghiên cứu dịch tễ học tại Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, đồng tình với ý kiến này. Những phát hiện này không nên thay đổi hành vi của phụ nữ khi họ quyết định sinh con đầu lòng, Gaudet nói với Reuters Health.

Tuy nhiên, phát hiện này có thể thay đổi cách thức và thời điểm một người phụ nữ bắt đầu được sàng lọc ung thư vú, Gaudet nói thêm.

Thông thường mọi người tin là việc mang thai và sinh nở bảo vệ phụ nữ khỏi ung thư vú, nhưng niềm tin đó đã đến từ việc xem xét tỷ lệ ung thư ở phụ nữ từ 60 tuổi trở lên. Trên thực tế, một nửa số phụ nữ bị ung thư vú được chẩn đoán trước tuổi 62.

Những phát hiện mới, được báo cáo trong Annals of Internal Medicine, đến từ việc kết hợp dữ liệu từ 15 nghiên cứu với gần 890.000 phụ nữ ở các độ tuổi khác nhau ở ba châu lục. Chúng xác nhận những gì các nghiên cứu nhỏ hơn đã nêu ra.

Với dữ liệu tổng hợp, "chúng tôi có được một bức tranh phong phú không chỉ về việc phụ nữ có con mà cả về tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú, họ có cho con bú hay không và mắc loại ung thư nào", Nichols nói. "Chúng tôi không phải là nhóm đầu tiên nhìn thấy sự gia tăng rủi ro ngắn hạn sau khi sinh con, nhưng bây giờ chúng tôi có thể biết liệu các yếu tố khác như cho con bú có tạo ra sự khác biệt hay không. Về việc cho con bú, nó không tác động gì."

Nhưng Gaudet, thuộc Hiệp hội Ung thư, cho biết kết luận về liên quan giữa cho con bú và ung thư là đáng nghi ngờ bởi vì nghiên cứu của Nichols chỉ xem xét liệu có việc cho con bú hay không chứ không tính đến quãng thời gian cho con bú dài hay ngắn.

Điều đó rất quan trọng bởi vì các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng khoảng thời gian cho con bú, chứ không phải việc có cho con bú hay không, mới là yếu tố quan trọng, bà nói. Những nghiên cứu đó cho thấy rằng cho con bú làm giảm nguy cơ ung thư vú.

Nhóm nghiên cứu của Nichols cũng phát hiện ra rằng những phụ nữ có nhiều con nhất và những người có con muộn sẽ có rủi ro cao nhất.

Ngoài ra việc có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú làm tăng gấp đôi tỷ lệ mắc khối u vú.

Nguy cơ cao hơn đối với các bà mẹ có lẽ do các mô vú phân chia nhanh chóng trong thai kỳ, làm tăng khả năng xảy ra lỗi sao chép trong mã di truyền, theo bác sĩ Nichols thuộc Trung tâm Ung thư toàn diện UNC Line Lineberger ở Chapel Hill, North Carolina.

Nguồn: