Từ thói quen bảo thủ trong giải thích…
“Bình thường” và “không bình thường” từ lâu đã được cho là tiêu chuẩn phán xét về “tốt” và “xấu” trong quan điểm của không ít người.
Điều này từng được Katherine Dunn - tác giả truyện viễn tưởng “Geek Love” (Tình yêu kỳ quái) tái hiện sinh động qua các nhân vật thuộc nhà Binewskis - một gia đình không bình thường gồm: Arty có chân tay giống chân vịt, Iphy và Elly bị dính liền nhau, còn cậu bé Chick có quyền năng tâm linh. Họ thường đi lưu diễn các nơi để chứng tỏ tài năng, nhưng lại bị khán giả xem là kẻ kỳ quái và không có giá trị hay đạo đức.
Tuy nhiên, vẻ bề ngoài có thể dẫn tới hiểu nhầm. Ví dụ nhân vật Miss Lick trong truyện là một phụ nữ có vẻ ngoài hoàn toàn bình thường, nhưng lại mang tâm địa bất chính.
Như các nhân vật trong “Tình yêu kỳ quái”, chúng ta vẫn hay nhầm lẫn khi coi bình thường như một tiêu chuẩn đạo đức. Thực tế, sự kỳ quái và chuẩn mực không hoàn toàn tách biệt mà có thể xuất hiện bất cứ nơi nào ngay cả trong cái tốt và xấu.
Hai nhà tâm lý học Andrei Cimpian và Christina Tworek (Mỹ) cho biết, khi giải thích thế giới xung quanh, con người thường nghĩ đến những đặc tính vốn có của sự vật, hiện tượng trước tiên. Điều này dẫn tới việc sử dụng các thông tin giản lược và thiếu nguồn thông tin hiệu quả để đưa ra kết luận, giải thích chính xác.
Chẳng hạn, nếu giải thích tại sao nam và nữ cần có nhà vệ sinh công cộng riêng, người ta thường nói ngay đến sự khác biệt giới tính. Chính xu hướng giải thích dựa vào những điểm sẵn có, phổ biến này làm cho mọi người không biết được thông tin khác về các tình huống hay lịch sử hiện tượng đang được nói đến.
Trong thực tế, nhà vệ sinh công cộng ở Mỹ phân chia nam - nữ từ cuối thế kỷ 19. Sự phân chia đó không dựa trên sự khác biệt giữa hai giới về mặt giải phẫu học mà xuất phát từ một loạt thay đổi chính trị củng cố quan điểm vị trí của phụ nữ trong xã hội có sự khác biệt so với nam giới.
… đến phán xét “bình thường là tốt”
Nghiên cứu của Cimpian và Tworek chỉ ra rằng, thói quen giải thích như trên có thể ảnh hưởng tới cách phán xét đạo đức của con người. Trong nghiên cứu, họ yêu cầu đánh giá những nhận định vốn phổ biến như: Các cô gái thường mặc áo hồng vì nó đem lại vẻ thanh nhã và có màu sắc đẹp như một bông hoa, có 90% người Mỹ uống càphê và đây là một hành vi tốt, nên làm. Kết quả, mọi người ủng hộ những lời giải thích này và có xu hướng nghĩ đó là hành vi tiêu biểu mà chúng ta cần làm.
Nhóm nghiên cứu còn phát hiện rằng, lối giải thích cố hữu còn ảnh hưởng tới sự phát triển ý niệm về đúng và sai của trẻ nhỏ. Các bé mẫu giáo thường nghĩ rằng cô dâu phải mặc váy trắng. Thậm chí trẻ từ 4 - 7 tuổi còn ủng hộ kiểu giải thích như con trai mặc quần và con gái mặc váy là điều đúng đắn.
Các nhà tâm lý cho rằng giới khoa học cần tiến tới thay đổi thói quen phán xét dựa trên cách giải thích thường có, nhưng lại không đúng. “Nếu mọi người có thông tin nhiều hơn về thế giới xung quanh, họ có thể dễ dàng thấy được thế giới có những khác biệt như thế nào. Một khi có thêm nhiều cách giải thích khác biệt với những cách giải thích đang có về một sự vật, hiện tượng, họ sẽ ít đi đến kết luận đồng nhất những gì đang tồn tại với những gì cần làm” - Toworek khuyến cáo.
Trên cơ sở này, các nhà khoa học có thể cung cấp nhiều hơn thông tin bên ngoài về những gì mà mọi người vẫn xem là cần làm. Chẳng hạn, trẻ nhỏ sẽ ít nhận xét theo kiểu cô dâu mặc váy trắng là đúng khi có thêm những giải thích khác, ví dụ như từ lâu, một nữ hoàng đã mặc váy trắng tại lễ cưới nên sau đó mọi người đã bắt chước.
Có thể thấy, nhiều yếu tố dẫn tới tâm lý xem những gì đang tồn tại phổ biến là điều cần làm hoặc là những điều tốt; nhưng một trong những nguồn dẫn tới điều này lại nằm ngay ở chính những lời giải thích không rõ ràng trong cuộc sống hằng ngày.
Đây chính là lý do khiến nhiều người - thậm chí cả người còn rất trẻ - phản ứng gay gắt với các hành vi diễn ra ngược lại với những cái đang được xem là chuẩn mực. Sự phản ứng mang tính tâm lý xã hội này có thể sẽ kìm hãm sự thay đổi của xã hội loài người.