Thay đổi tâm thế nhà khoa học
Trong phát biểu đề dẫn của mình, Ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc Saigon Innovation Hub tin rằng, chức năng của các trường đại học đối với khởi nghiệp phải bao gồm bốn nhóm nội dung: Đào tạo và cung cấp nhân lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp; Chuẩn bị cho câu chuyện “tiền khởi nghiệp” - bao gồm tâm thế, ý chí để khởi nghiệp; Cung cấp hạ tầng nghiên cứu, bao gồm thư viện, phòng thí nghiệm… và quan trọng nhất, là có hệ thống để biến các kết quả nghiên cứu khoa học, các công trình của thầy và trò trong nhà trường thành các công trình thương mại hóa.
Ông cũng nhận ra rằng, sau rất nhiều năm theo đuổi khởi nghiệp, thì cộng đồng khởi nghiệp tốt nhất là từ các trường đại học. Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa được đồng bộ hóa, chẳng hạn một số trường đã bắt đầu đưa bộ môn khởi nghiệp vào giảng dạy, nhưng chưa có hệ thống từ cử nhân về đổi mới sáng tạo, thạc sỹ về chuyển giao công nghệ hay tiến sĩ về khởi nghiệp như các nơi trên thế giới, đặc biệt là các mô hình như New Zealand đang trao đổi và sẵn sàng chuyển giao.
Một thực tế được đưa ra, là những trường đại học lớn có nhiều nghiên cứu khoa học như Đại học Bách khoa TPHCM, thì hầu như các giảng viên đều có công ty và tìm cách này hay cách khác để thương mại hóa công trình của mình thông qua hợp tác với các doanh nghiệp (DN). Nhưng thực tế của thế giới, là các trường đều có những trung tâm chuyển giao công nghệ, những đơn vị trung gian kết nối giữa nhà khoa học về thị trường thông qua công tác định giá công nghệ, kết nối các doanh nghiệp và hướng đến một thị trường công nghệ lớn hơn.
Các diễn giả tại hội thảo. Nguồn ảnh: thethaovanhoa
Bà Karlene Davis, Tổng Lãnh sự của New Zealand tại TP. Hồ Chí Minh cho biết trong nhiều thập kỷ qua, New Zealand và Việt Nam đã có mối quan hệ bang giao bền chặt và giờ đây họ mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ này trong thời gian tới. Với chuyên môn và kinh nghiệm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của New Zealand sẽ giúp mang đến nhiều lợi ích cho Việt Nam về đổi mới sáng tạo, hợp tác với DN, nghiên cứu và thương mại hoá các công trình nghiên cứu.
Chuyển giao công nghệ “thương mại hóa”
“New Zealand sẵn sàng hỗ trợ, giúp Việt Nam thực hiện đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công trình nghiên cứu từ các trường, viện, các cá nhân sinh viên” - Bà Karlene Davis nhấn mạnh.
Theo đánh giá của ông Ben Burrowes, Giám đốc vùng Đông Nam Á của Cơ quan Giáo dục New Zealand hiện tại có hơn 2.500 học sinh sinh viên Việt Nam đang học tập tại New Zealand, chuẩn bị cho sự nghiệp tương lai trên toàn cầu. Con số này tăng nhanh qua các năm, và nguyên nhân phần lớn đến từ việc New Zealand sở hữu một hệ thống giáo dục tập trung vào tương lai. Với cách tiếp cận sáng tạo và mối quan hệ khăng khít với DN, hệ thống giáo dục của New Zealand coi trọng việc chuẩn bị kỹ năng tương lai cho học sinh sinh viên trong thời đại công nghệ số liên tục thay đổi.
Tính đến nay hệ thống giáo dục của New Zealand được xếp hạng số 01 thế giới về Chỉ số Giáo dục cho tương lai (theo tổ chức uy tín The Economist Intelligence Unit), trong đó những nhân tố chính góp phần vào thành tựu trên là sự liên kết giữa nhà trường và DN cũng như đầu tư vào đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong mảng giáo dục đại học. Nhiều trường đại học dành ngân sách lớn hằng năm cho các hoạt động nghiên cứu. Khoản đầu tư đó cho phép các trường đại học thu hút được những giảng viên đẳng cấp thế giới, xây dựng hệ thống thư viện rộng lớn, các cơ sở nghiên cứu tiện nghi và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại.
Ngoài ra, các trường đại học còn có chiến lược cụ thể để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học thông qua hợp tác với DN, chịu trách nhiệm về quản lý và chuyển giao sở hữu trí tuệ của nhà trường. Sinh viên có nhiều cơ hội làm việc trực tiếp với các DN trong và ngoài nước để phát triển những sản phẩm thương mại từ chính những nghiên cứu của họ, hoặc tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng cho những dự án khởi nghiệp của riêng mình.
Sau chương trình, các trường đại học quốc gia và cấp vùng của New Zealand đã có phiên làm việc trực tiếp với các đại học Việt Nam để tìm kiếm các kết nối liên quan đến việc chuyển giao các mô hình vườn ươm doanh nghiệp trong trường đại học, các quỹ đầu tư hạt giống cũng như các chương trình tương tác với thị trường và doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Kim Tước cho hay, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia Việt Nam – New Zealand trong lĩnh vực nghiên cứu đổi mới sáng tạo, đặc biệt là kinh nghiệm thương mại hóa các công trình nghiên cứu, từ cả hai quốc gia đều có nhiều điều có thể học hỏi lẫn nhau trong lĩnh vực này và mong đợi xúc tiến xa hơn nữa những mối quan hệ đối tác tiềm năng trong tương lai.