Những con chuột thí nghiệm được đưa lên vũ trụ chỉ 2 tuần đã có những dấu hiệu ban đầu của tình trạng gan bị tổn thương khi trở về Trái Đất. Đây là kết quả nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ được công bố ngày 20/4.
Những phát hiện này, đã được công bố trên tạp chí Plos One, có thể khiến các cơ quan vũ trụ của Mỹ - đang có kế hoạch đưa con người đến những nơi xa xăm trên vũ trụ như một hành tinh nhỏ hoặc Sao Hỏa - quan tâm.
Theo các nhà khoa học, những con chuột nói trên đã bị tăng hàm lượng mỡ trong gan cũng như thiếu Retinol, một dạng vitamin A ở động vật. Ngoài ra chúng cũng đã bị suy giảm khả năng tự tiêu mỡ và có những dấu hiệu của bệnh gan nhiễm mỡ không phải do cồn gây ra và những dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh sơ gan.
Theo tác giả chính của nghiên cứu, phó giáo sư Karen Jonscher thuộc Đại học Colorado, trước nghiên cứu trên, các nhà khoa học không có thông tin nào về ảnh hưởng của các chuyến bay vào vũ trụ đối với gan mà chỉ biết rằng các nhà du hành vũ trụ thường bị mắc những chứng bệnh như tiểu đường và thường được chữa khỏi bệnh rất nhanh.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vốn đã biết rằng các chuyến bay vào vũ trụ có thể gây loãng xương, làm teo cơ bắp cũng như gây ra những thay đổi về thị lực và làm suy giảm các chức năng của não ở người.
Cũng theo bà Jonscher, những triệu chứng ban đầu về tổn thương gan ở chuột sẽ phải mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để bệnh tiến triển khi không có chế độ ăn uống lành mạnh. Do vậy, điều gì sẽ xảy ra với con người khi ở lâu trên vũ trụ vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Ngoài ra, một khả năng nữa là sự căng thẳng trong chuyến bay, đặc biệt là tình trạng bị sóc, rung lắc và bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn lớn khi khởi hành và đi vào bầu khí quyển, cũng góp phần gây tổn thương cho gan./.
Theo VietnamPlus