Các đại dương đang hấp thụ tới 30% lượng khí thải CO2 trong khí quyển, dẫn đến nguy cơ nước biển ngày càng bị axit hóa nếu nồng độ CO2 không ngừng tăng cao.
Theo thời gian, tác động này ngày càng trở nên dễ nhận thấy. Tình trạng axit hóa nghiêm trọng tại Thái Bình Dương đang làm phân hủy lớp vỏ ấu trùng của loài cua Dungeness.
Đó là phát hiện của một nghiên cứu mới, do Hiệp hội Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) tài trợ, và công bố trên Tạp chí Science of the Total Environment. Một nhóm các nhà khoa học từ nhiều nơi trên thế giới đã tập hợp lại, sử dụng những công cụ hiện đại như kính hiển vi điện tử để phân tích các mẫu vật (cua Dungeness) thu thập được trong những chuyến thăm dò từ năm 2016.
Kết quả phân tích cho thấy, lớp vỏ trên của ấu trùng cua có dấu hiệu bị phân hủy mạnh. Thậm chí, một số cá thể còn mất đi cấu trúc cảm quan dạng lông – đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động điều hướng (định vị) trong môi trường.
Phát hiện này không chỉ có ý nghĩa đối với sứ mệnh bảo tồn hệ sinh thái trong khu vực, nó còn ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế tại các thành phố ven biển Tây Bắc Thái Bình Dương – nơi rất phổ biến nghề đánh bắt và buôn bán các loài giáp xác, trong đó có cua Dungeness.
“Nếu không có giải pháp giúp những cá thể ấu trùng bị tổn thương chữa lành lớp vỏ, tỷ lệ sống sót và phát triển đến độ trưởng thành của chúng trong dài hạn chắc chắn sẽ sụt giảm,” nhà khoa học Nina Bednarsek thuộc Dự án Southern California Coastal Water Research Project (nghiên cứu nguồn nước khu vực ven biển Nam California) phát biểu trong thông cáo báo chí.
Nguồn:
Hải Đăng (theo NOOA)