Sự lan tỏa cuộc cách mạng 4.0 đến là điều mơ ước, là hạnh phúc của người làm báo khi được làm báo trong thời kỳ công nghệ, khi mà tất cả thông tin trên thế giới có thể được tìm thấy ở ngay trên máy tính, laptop, điện thoại thông minh.
ThS Hà Hồng - Trưởng ban Khoa giáo, Báo Nhân Dân.
Trước đây, người viết - nhất là viết về khoa học chuyên ngành - khi muốn tìm hiểu thông tin phải tìm đến thư viện cố định, thì nay có thể tìm thấy chúng trên các “thư viện ảo”. Nhà báo chỉ cần có từ khóa, thông tin gốc để kiểm chứng thì việc thao tác tìm kiếm từ thư viện ảo sẽ vô cùng thuận tiện.
Xưa, một nhà báo viết về khoa học công nghệ thường chỉ thông thạo một lĩnh vực, nếu phải chuyển sang mảng khác sẽ mất một thời gian dài để tìm hiểu. Nhưng nay, với thế mạnh của công nghệ, phóng viên có thể viết được nhiều lĩnh vực do cơ hội tiếp cận với thông tin thuận lợi hơn.
Nhưng chính sự thuận lợi ấy lại đòi hỏi "cái tôi" của tác giả thể hiện rõ hơn. "Cái tôi" ở đây là chính kiến mà bấy lâu nay nhiều người coi nhẹ, chỉ nêu vấn đề mà chưa phân tích sự đúng - sai về bản chất thông tin, nhiều khi còn ỡm ờ về bản chất để câu view.
Trong bối cảnh đó, một nhà báo để xây dựng được uy tín, đẳng cấp của mình cần rèn cách làm việc nghiêm túc. Khi tham khảo thông tin khoa học, công nghệ trên Internet, vẫn cần kiểm tra thông tin thông qua các chuyên gia đầu ngành. Việc kiểm chứng này sẽ phụ thuộc vào trình độ của từng phóng viên, sự cẩn trọng của mỗi người. Nếu không, bài báo nào cũng sẽ cùng một giọng “Google cho biết”.
Nhóm PV (Ghi)