Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, SARS-CoV-2 có thể lây lan qua những giọt bắn ra từ ho hay hắt hơi và qua cả các hạt chất lỏng siêu nhỏ mà chúng ta tạo ra khi thở.

Cho đến nay, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và các cơ quan y tế khác đã khẳng định đường lây truyền chính của SARS-CoV-2 là qua các giọt hô hấp lớn hơn, lên đến 1 milimet đường kính, mà người bệnh phát ra khi họ ho và hắt hơi. Những giọt này sẽ rơi trong vòng 1 hoặc 2 mét, tích tụ virus trên bề mặt, người chạm vào các bề mặt này sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt có thể nhiễm virus.

Một nhân viên thu ngân siêu thị ở Buenos Aires, Argentina, đứng đằng sau tấm màn nhựa để đề phòng virus lây lan.

Tuy nhiên, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học New England chỉ ra rằng, SARS-CoV-2 có thể trôi nổi trong các giọt sol khí (aerosol - hay các hạt chất lỏng siêu nhỏ) có kích thước dưới 5 micron trong suốt 3 giờ và truyền nhiễm trong suốt thời gian này.

Một nghiên cứu khác gần đây của Joshua Santarpia và các đồng nghiệp tại Trung tâm Y tế Đại học Nebraska đã tìm thấy RNA virus khắp nơi trong phòng cách ly của bệnh nhân đang điều trị COVID-19. RNA virus xuất hiện trên cả các bề mặt khó tiếp cận, cũng như trong các máy lấy mẫu không khí cách bệnh nhân hơn 2 mét, cho thấy virus có thể lây lan qua các sol khí , Santarpia và các đồng nghiệp kết luận.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Vũ Hán do Yuan Liu đứng đầucũng nhận thấy virus corona mới có thể trôi nổi trong không khí khi nhân viên y tế lau sàn nhà, di chuyển qua các khu vực bị nhiễm bệnh hoặc gỡ bỏ các thiết bị bảo vệ cá nhân.

Kết hợp các bằng chứng nói trên với nhau, nhóm đánh giá của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NAS) kết luận, "sự hiện diện của RNA của virus trong các giọt trong không khí và sol khí cho thấy virus có khả năng lây nhiễm qua những đường này,"

"Nó giúp giải thích tại sao virus lan nhanh như vậy," Kimberly Prather, nhà hóa học khí dung tại Đại học California, San Diego, viết trong email gửi cho ScienceInsider.

Các đánh giá mới của NAS cũng ủng hộ việc đeo khẩu trang nơi công cộng.

Nhóm NAS đã trích dẫn một bài báo của Nancy Leung thuộc Đại học Hồng Kông và các đồng nghiệp, trong đó nhóm nghiên cứu đã thu thập các giọt hô hấp và sol khí từ các bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp do virus gây ra; một số bệnh nhân đeo khẩu trang phẫu thuật. Kết quả, khẩu trang làm giảm sự xuất hiện của RNA của coronavirus trong cả các giọt hô hấp và sol khí. "Các kết quả của chúng tôi cung cấp bằng chứng rằng nếu các cá nhân có triệu chứng đeo khẩu trang thì có thể ngăn ngừa lây truyền virus corona ở người," nhóm Nancy Leung kết luận.

Tuy nhiên không phải tất cả các chuyên gia đều đồng ý rằng các hạt chất lỏng siêu nhỏ là một con đường lây nhiễm SAS-CoV-2.

Các chuyên gia của WHO cho biết: một phân tích trên hơn 75.000 trường hợp nhiễm virus corona ở Trung Quốc cho thấy không có trường hợp lây truyền qua đường không khí.

Đối với các nghiên cứu như của Santarpia, WHO lưu ý rằng, việc phát hiện RNA trong các mẫu dựa trên các xét nghiệm PCR không phải là dấu hiệu của virus có khả năng lây nhiễm.

Dù sao thì CDC đã sẵn sàng khuyến nghị người dân đeo khẩu trang vải ở nơi công cộng để giảm sự lây lan của virus.

Nguồn: