Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Food, các hiện tượng nắng nóng và hạn hán có thể xảy ra đồng thời một cách thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu, kéo theo những hậu quả tiêu cực đối với nông nghiệp.

Những dự báo trước đây về rủi ro khí hậu trong tương lai đã xác định được nguy cơ từ nóng lên toàn cầu đối với nông nghiệp, nhưng chưa tính đến những ảnh hưởng kép của nhiệt độ và nguồn nước đối với cây lương thực. Năng suất cây trồng thường giảm vào các vụ mùa có thời tiết nắng nóng, nhưng nếu nắng nóng và hạn hán xảy ra đồng thời sẽ còn gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nữa.

Theo nghiên cứu mới, ngoài những thiệt hại do nhiệt độ cao gây ra, tác động kép của nắng nóng và hạn hán sẽ khiến năng suất ngô và đậu tương giảm thêm tới 20% ở nhiều vùng ở Mỹ và giảm thêm 40% ở đông Âu và đông nam châu Phi.

Ở những nơi dự kiến có năng suất tăng nhờ thời tiết ấm lên, do năng suất cây trồng vốn bị hạn chế bởi khí hậu mát, như miền bắc nước Mỹ, Canada và Ukraine, tác động kép của nắng nóng và hạn hán sẽ triệt tiêu mức tăng năng suất dự kiến.

Các nhà nghiên cứu cho biết, hạn hán và nắng nóng khắc nghiệt đã làm giảm sản lượng ngũ cốc trung bình từ 9 đến 10% trên toàn thế giới trong nửa thế kỷ qua.

Dựa trên dữ liệu trong quá khứ, nghiên cứu mới cho thấy, năng suất ngô và đậu tương trở nên nhạy cảm với hơn nhiệt độ khoảng 40% ở những nơi nắng nóng đi kèm với khô hạn, so với những nơi có thời tiết nóng nhưng vẫn có đủ nước. Khi nhiệt độ cao, những loại cây trồng này vốn đã ở trạng thái thiếu nước do sức nóng không khí, đất trong nước bay hơi và mặt đất trở nên nóng hơn do ánh nắng mặt trời; các tác động này trở nên nghiêm trọng hơn khi thiếu nước tưới do khô hạn.

Những tác động kép của nắng nóng và hạn hán ít ảnh hưởng hơn đối với các loại cây trồng khác, chẳng hạn như lúa mì hoặc lúa gạo.

Nghiên cứu chỉ ra, nếu không cắt giảm lượng khí thải nhanh chóng và quyết liệt, các loại lương thực thực phẩm thiết yếu có thể ngày càng bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt. Nếu như vậy, giá lương thực sẽ tăng cao và làm giảm an ninh lương thực, ngay cả ở các nước phát triển.

“Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra một nguy cơ mới chưa được tính đến trong các đánh giá hiện tại. Khi hành tinh tiếp tục nóng lên, nguồn nước và nhiệt độ có thể có mối liên hệ chặt chẽ hơn với nhau ở nhiều khu vực: hạn hán ngày càng trở nên nóng hơn và các đợt nắng nóng thì kéo theo khô hạn,” Lesk cho biết. “Đây là động lực để tìm cách giúp cây trồng thích ứng, cũng như tìm giải pháp canh tác. Ví dụ: chúng ta cần các giống cây trồng mới có khả năng chịu nhiệt tốt, đồng thời cần có khả năng chịu hạn.”

Nguồn: