Thị trường nông nghiệp hữu cơ đang có những sự thay đổi đáng kể khi ngày càng nhiều người tìm tới những nguồn cung thực phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe.
Thị trường đầy tiềm năng cho các nhà sản xuất
Nguyên nhân khiến thị trường thực phẩm hữu cơ ngày càng mở rộng có sự khác biệt ở từng khu vực. Ở Bắc Mỹ và châu Âu, người dân quay sang dùng thực phẩm hữu cơ bởi những lý do về sức khỏe (ví dụ 63% người Pháp mua vì những lý do sức khỏe cá nhân), về môi trường (người Đức), để bảo vệ động vật (người Đan Mạch) và để tránh dùng thực phẩm biến đổi gene (người Mỹ). Trong khi đó, nỗi lo sợ về thực phẩm bẩn, nhất là sau những scandal thực phẩm bẩn, là lý do chính khiến người dân các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, quay sang “làm bạn” với thực phẩm hữu cơ.
Số lượng thực phẩm hữu cơ sản xuất ra đang không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.Theo số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường Organic Monitor, Mỹ, thị trường dành cho thực phẩm hữu cơ đạt tới 81,6 tỉ USD (khoảng 75 tỉ Euro) trong năm 2015, trong đó Mỹ là thị trường tiêu thụ chủ đạo với 35,9 tỉ Euro, tiếp theo là Đức (8,6 tỉ Euro), Pháp (5,5 tỉ Euro) và Trung Quốc (4,7 tỉ Euro). Năm 2015, hầu hết các thị trường chính của nông nghiệp hữu cơ đều có tốc độ tăng trưởng phi mã, 2 con số. Như vậy, thị trường thực phẩm hữu cơ đã tăng lên gấp 4 lần chỉ trong vòng 15 năm và tăng liên tục từ năm 1999.
Sự tham gia ngày càng sôi nổi của doanh nghiệp, nhà nước
Ngày càng nhiều doanh nghiệp bán lẻ tham gia cung ứng sản phẩm này ra thị trường, nhiều công ty cũng đầu tư vào lĩnh vực này với hàng loạt các vụ sáp nhập, mua bán. Chẳng hạn, Royal Wessanen – một trong những doanh nghiệp thực phẩm hữu cơ lớn nhất thế giới - đã tiếp tục mua thêm các nhãn hàng hữu cơ. Năm 2016, công ty này mua Piramide Tea (chuyên về chè hữu cơ), Mrs Crimble (nhãn hiệu chuyên về thực phẩm không chứa gluten), IneoBio (chuyên về chè và cà phê hữu cơ).
Ngoài việc sản xuất cho người tiêu dùng trong nước, nhiều quốc gia đã hướng tới các thị trường xuất khẩu. Rất nhiều khu vực ở châu Phi, châu Á, Mỹ La Tinh, hay ngay cả Australia và New Zealand, thực phẩm hữu cơ được sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu sang Bắc Mỹ và châu Âu – 2 thị trường tiêu thụ lớn nhất.
Bên cạnh sự vận động của quy luật cung - cầu, nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ đang được hàng loạt các quốc gia thực thi. Chẳng hạn, Trung Quốc ký các thỏa thuận chứng nhận thực phẩm hữu cơ song phương với New Zealand, đưa ngành công nghiệp hữu cơ vào “Kế hoạch quốc gia để xây dựng nền văn minh sinh thái”. Một số nước còn có cả chính sách quốc gia về thực phẩm hữu cơ như Bangladesh, Kyrgyzkistan.
Với tất cả những động thái trên, thị trường nông nghiệp hữu cơ sẽ tiếp tục có bước tiến mới trong những năm tới đây.