Dự báo lở đất trước 7 ngày
Sạt lở do mưa lớn là hiện tượng thường xuyên xảy ra ở Thái Lan, gây ra nhiều vụ thương tích cho người và thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, mạng lưới giao thông. Do đó, đầu tư vào các biện pháp giảm thiểu sự cố dạng này là một vấn đề ưu tiên đối với Chính phủ Thái Lan.
Hệ thống dự báo sạt lở đất mà NEC tiến hành thử nghiệm ở nước này là một trong những môđun của hệ thống quản lý rủi ro tích hợp của tập đoàn. Cuộc thử nghiệm này là hoạt động hỗ trợ cho một dự án hợp tác phòng, chống thiên tai lớn hơn giữa Thái Lan và Nhật Bản - nằm trong khuôn khổ dự án Nghiên cứu việc xây dựng một chương trình giả lập đất lở ở Thái Lan" do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản ủy thác cho Đại sứ quán Nhật Bản tại Thái Lan.
Trước khi thiết lập hệ thống thử nghiệm, NEC và Trung tâm Cảnh báo tai nạn quốc gia Thái Lan đã thực hiện các thí nghiệm xác minh với hệ thống mô phỏng lũ lụt ở Uttaradit - một tỉnh ở miền bắc Thái Lan - trong thời gian 4 tháng, từ tháng 11/2015 đến tháng 3/2016.
Sau đó, họ tiến hành xác nhận tính hiệu quả của hệ thống dự đoán sạt lở với thử nghiệm ở tỉnh Chiang Mai - miền bắc Thái Lan - diễn ra từ tháng 11/2016 đến tháng 3/2017.
Vừa qua, Tập đoàn NEC và Trung tâm Cảnh báo tai nạn quốc gia Thái Lan đã chính thức thông báo, hệ thống dự báo sạt lở đất kể trên đã được thử nghiệm thành công.
Cụ thể, hệ thống có thể thực hiện các mô phỏng chi tiết và cung cấp dự báo cơ sở theo từng giờ trong thời điểm 7 ngày trước khi sự việc diễn ra. Điều này cho phép Trung tâm Cảnh báo tai nạn quốc gia Thái Lan đưa ra cảnh báo tới các khu vực bị đe dọa trước khi xảy ra lở đất, giúp giảm thiệt hại tiềm tàng.
Ngay cả trong những giai đoạn không xảy ra thảm hoạ, hệ thống cũng có thể xác định khu vực ẩn chứa nguy cơ sạt lở đất bằng cách thực hiện các mô phỏng sử dụng số liệu lượng mưa trước đó, cho phép lập bản đồ nguy hiểm.
“Chúng tôi đã có thể xây dựng và tích hợp hệ thống mô phỏng các vụ sạt lở đất của Tập đoàn NEC với các tổ chức chính phủ khác nhau của Thái Lan. Hệ thống này được tối ưu hóa cho Thái Lan và dự kiến sẽ có vai trò trong hoạt động của Cục Phòng, chống và Giảm nhẹ thiên tai và Trung tâm Cảnh báo tai nạn quốc gia Thái Lan. Tới đây, Chính phủ Thái Lan sẽ tiếp tục mở rộng dự án hợp tác với Nhật Bản nhằm mở rộng khu vực mô phỏng” - ông Radm Thavorn Charoendee, một quan chức điều hành của Trung tâm Cảnh báo tai nạn quốc gia Thái Lan - cho biết.
Hệ thống dự báo hoạt động ra sao?
Hệ thống dự báo sạt lở đất của Tập đoàn NEC bao gồm một nền tảng chia sẻ với các chức năng như tích hợp dữ liệu, dự đoán và cảnh báo sớm, cùng các môđun thiên tai chuyên biệt cho các thảm hoạ cụ thể như sạt lở đất, lũ lụt và động đất.
Các môđun hoặc chức năng thiên tai có thể được lựa chọn riêng theo yêu cầu. Một số môđun thiên tai có thể được kết hợp để dự đoán nhiều loại thiên tai cùng một lúc.
Hệ thống dự báo sạt lở đất thực hiện mô phỏng dựa trên dữ liệu khí tượng học (lượng mưa quan sát được và lượng mưa dự báo), dữ liệu địa hình (giá trị độ cao, mục đích sử dụng đất) và dữ liệu đất (độ sâu của đất, tính dẫn nước, độ rỗng, lực kết dính), cho phép dự đoán mức độ nguy hiểm lở đất.
Theo ông Minoru Hirata - Tổng Giám đốc bộ phận Cơ sở hạ tầng thông minh của Tập đoàn NEC - cho hay: “NEC sẽ tiếp tục đóng góp vào việc phát triển công nghệ phòng, chống thiên tai phức tạp cũng như việc ứng dụng công nghệ phòng ngừa thảm hoạ ở Thái Lan, như sạt lở đất và ngập lụt. Thêm nữa, Tập đoàn NEC sẽ mang kinh nghiệm và kiến thức đã có được thông qua thử nghiệm này để thúc đẩy hệ thống dự báo cho các nước châu Á khác cũng thường xuyên bị tổn hại do sạt lở đất”.