Vào ngày 6/12, Hayabusa2 quay trở lại Trái đất sau chặng đường dài 5,2 tỷ km trong vũ trụ để thu thập các mẫu vật dưới bề mặt tiểu hành tinh Ryugu, và thả một hộp chứa mẫu vật xuống một vùng hẻo lánh ở Nam Úc. Các nhà khoa học Nhật Bản đã thu thập mẫu vật ngay trong ngày. Mẫu vật quý này chỉ nặng 0,1 gram.
Ryugu được cho là loại tiểu hành tinh sinh ra các thiên thạch carbon. Nếu các mẫu Hayabusa-2 trả về có những đặc tính trùng khớp với các thiên thạch carbon, chúng có thể chứa các axit amin - thành phần cấu tạo của sự sống.
Giáo sư Masaki Fujimoto tại Cơ quan thăm dò hàng không vũ trụ Nhật Bản, cơ quan thực hiện nhiệm vụ Hayabusa2, cho biết mẫu vật mới có thể giúp trả lời một câu hỏi cơ bản: nước xuất hiện và sự sống bắt đầu như thế nào trên Trái đất? “Trái đất ở tương đối gần Mặt trời, vì vậy nó được hình thành ở dạng khô. Một cái gì đó giống như Ryugu đã mang nước đến trái đất để sự sống có thể xuất hiện và đó là lý do tại sao chúng tôi thu thập các mẫu này”, Fujimoto nói.
Hayabusa2 chỉ bay qua để thả hộp chứa mẫu về Trái đất, và nó đã bắt đầu một chuyến thám hiểm mới đến một tiểu hành tinh xa xôi khác. Sẽ mất một thập kỷ để hoàn thành Nhiệm vụ lấy mẫu tiếp theo.
Hoàng Nam (Theo Theguardian)