Đó là kết quả từ nghiên cứu đánh giá lớn nhất và đầy đủ nhất đến nay về sự đa dạng của côn trùng trên toàn cầu.

Nghiên cứu kết hợp 166 cuộc khảo sát dài hạn từ gần 1.700 địa điểm và vừa được công bố trên tạp chí Science.


Một con chuồn chuồn băng trưởng thành, đến từ sông băng Grinnell, ở công viên quốc gia Glacier, Montana, Mỹ. Loài này bị đe dọa vì biến đổi khí hậu đang làm tan chảy các sông băng.

Côn trùng là nhóm động vật đa dạng và phong phú nhất, số lượng đông hơn loài người 17 lần, và rất cần thiết cho hệ sinh thái. Chúng thụ phấn cho thực vật, là thức ăn cho các sinh vật khác và tái chế các chất thải tự nhiên.

Đã có các nghiên cứu cảnh báo về hậu quả thảm khốc đối với sự sống còn của loài người nếu côn trùng không ngừng suy giảm. Các phân tích gần đây nhận thấy sự suy giảm nghiêm trọng số lượng côn trùng ở một số địa điểm, chẳng hạn như 75% ở Đức và 98% ở Puerto Rico.

Nghiên cứu đánh giá mới, với phạm vi rộng hơn nhiều, cho thấy tỷ lệ suy giảm thấp hơn. Tuy nhiên, Roel van Klink thuộc Trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học tích hợp của Đức tại Leipzig, người đứng đầu nghiên cứu, cho rằng gần 25% là con số đáng lo ngại. "Mọi người nên nhớ là việc sản xuất thức ăn của chúng ta phụ thuộc vào côn trùng."

"Việc mở rộng các thành phố tác động xấu đến côn trùng do làm mất môi trường sống tự nhiên," van Klink nói. "Điều này đang xảy ra ở Đông Á và Châu Phi với tốc độ chóng mặt."

Nam Mỹ, Nam Á và Châu Phi có rất ít hoặc không có dữ liệu, trong khi đây là những nơi môi trường sống hoang dã bị phá hủy nhanh chóng để canh tác và đô thị hóa, làm giảm đáng kể quần thể côn trùng.

Nguyên nhân gây suy giảm côn trùng là môi trường sống bị phá hủy, thuốc trừ sâu và ô nhiễm ánh sáng. Tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu không rõ ràng trong nghiên cứu, tuy nhiên van Klink cho biết những thay đổi về nhiệt độ và mưa có thể gây hại cho một số loài trong khi thúc đẩy những loài khác ở cùng một địa điểm.

Đồng thời, ông nhấn mạnh, mức độ carbon dioxide tăng lên đang làm giảm chất dinh dưỡng trong thực vật và làm giảm đáng kể số lượng châu chấu trên thảo nguyên ở Kansas, Mỹ. "Điều này có thể xảy ra trên toàn thế giới," van Klink nói.

Không phải loài côn trùng nào cũng có xu hướng suy giảm, nghiên cứu cho biết. Trong khi côn trùng trên cạn suy giảm liên tục hàng thập kỷ qua thì côn trùng nước ngọt tăng 11% mỗi thập kỷ. Tuy nhiên, nhóm này chỉ chiếm khoảng 10% các loài côn trùng và không thụ phấn cho cây trồng.

Nguồn: