Các nhà khoa học tại NASA mới đây công bố rằng sự dao động cực của Trái đất đã đổi hướng, và nguyên nhân là vì sự phân bổ khối lượng của hành tinh đã thay đổi.
Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi quá trình dao động trục cực của Trái đất - đó là những gì nghiên cứu mới của Nasa kết luận.
Quá trình này xuất phát từ việc băng tan quá nhanh, khiến sự phân bổ về khối lượng của Trái đất thay đổi. Hay nói cách khác, "3 vòng" của đất mẹ đang biến dạng đi.
Trên thực tế, Trái đất chưa bao giờ quay xung quanh một trục cực duy nhất, mà trục này cũng luôn thay đổi do sự di động của cực Bắc, khiến cho Trái đất có thể nói là luôn "lắc lư".
Từ khi xác định được điều này từ năm 1899, các nhà khoa học nhận thấy trong cả thế kỷ 20, trục cực đã dao động về hướng Canada.
Tuy nhiên theo Surendra Adhikari - nhà nghiên cứu của Nasa thì trong thế kỷ 21, sự dao động của trục cực lại thay đổi, và lần này là xê dịch về phía Vương quốc Anh. Adhikari cho biết: "Sự xê dịch này rất rõ ràng".
Các ghi nhận cho thấy điểm cực của Trái đất không cố định, mà sẽ di chuyển mỗi năm. Tuy nhiên kể từ năm 2000, trục cực đã đổi hướng về phía đông, với tốc độ dịch chuyển nhanh gấp 2 lần trước kia (khoảng 17cm/năm).
Theo Adhikari và Erik Ivins - đồng tác giả nghiên cứu, sự thay đổi này xuất phát từ việc lớp băng vĩnh cửu tại một số điểm tan quá nhanh, đồng thời khiến cho băng tại khu vực khác dày lên, khiến sự phân bổ trọng lượng của Trái đất thay đổi.
Nhưng chưa hết, lượng nước bị hụt đi tại 2 châu lục Á-Âu cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng này.
Các chuyên gia cho biết sự thay đổi này là vô hại, không gây ảnh hưởng đến đời sống của con người, nhưng mang ý nghĩa rất lớn. Theo Jonathan Overpeck - giáo sư địa chất học tại ĐH Arizona (Mỹ): "Điều này cho thấy con người có thể đem lại những tác động to lớn thế nào đến hành tinh này".
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances.
Theo Trí Thức Trẻ