GS-TS Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các Ngành sinh học Việt Nam. Ảnh: NV
Đồng tình với khuyến cáo này, ThS Nguyễn Đắc Hoan - nguyên Trưởng phòng thí nghiệm, phòng phân tích của Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp - cho rằng nếu đất nghèo dinh dưỡng, nên phủ lên một lớp đất tốt, chẳng hạn như đất phù sa sông Hồng. “Đa số những người tự trồng rau ở Bộ Nông nghiệp nơi tôi từng công tác đã ra bãi sông Hồng lấy đất phù sa” - ThS Hoan nói.
Còn GS-TS Nguyễn Lân Dũng kể: “Tôi đã có dịp đến thăm nhà nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết khi ông ở Hà Nội và được chứng kiến cách trồng rau an toàn rất thông minh: Chỉ rải một lớp đất phù sa mỏng trên nền ximăng, sau đó gieo thật dày hạt cải. Ông tưới bằng nước lã nhưng ăn ngay rau cải non khi mới chỉ có hai lớp lá, ăn sống hoặc xào. Các gia đình có sân rộng có thể áp dụng biện pháp đơn giản này”.
Với nước tưới - theo ông Dũng, có thể dùng nước giếng khoan. Nếu dùng nước máy, nên trữ lại trong bể một thời gian trước khi tưới để bay bớt chất clo. Để côn trùng không phá hoại rau, cần có lưới ngăn bướm. Tuy nhiên, loài bọ nhảy nhỏ có thể lọt qua khe lưới và cắn rau thành các khoanh hình tròn nên cần thường xuyên theo dõi. Nếu phát hiện bọ nhảy, nên dùng thuốc trừ sâu sinh học thuộc nhóm abamectin.
Ông Dũng lưu ý, việc tự trồng rau chỉ thực sự an toàn khi dùng đất không nhiễm thuốc bảo vệ thực vật (như đất phù sa), không dùng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào, cũng không dùng phân đạm hoá học. Phân đạm vô cơ sẽ gây tích luỹ trong rau hợp chất nitrit (NO2) - đã được các nghiên cứu khoa học xác nhận là yếu tố gây ung thư. Chỉ nên dùng phân hữu cơ ủ hoai (mua của nông dân) để bón lót cho rau.
Theo GS-TS Nguyễn Lân Dũng, nếu có điều kiện, các gia đình nên tạo khung nhà lưới hoặc mua sẵn các trang bị nhà lưới cùng với hệ thống tưới nước, bón phân...