Quả trứng với lớp vỏ mỏng đã tồn tại nguyên vẹn suốt 2.000 năm trong một ngôi mộ cổ thời nhà Hán.

VNE-2-000-year-old-egg-discove-5940-5480

Quả trứng 2.000 năm tuổi tìm thấy ở Quý Châu, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Nhóm nghiên cứu thuộc Sở Di chỉ Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, tìm thấy quả trứng trong một ngôi mộ thời nhà Hán (202 trước CN - 220) ở khu di chỉ Hoàng Kim Loan vào ngày hôm qua.

"Chúng tôi cố gắng làm sạch bùn đất dính trên vỏ trứng. Nhưng ngay khi bàn chải chạm vào vỏ, quả trứng lập tức rạn nứt," Zhang Gaike, người đứng đầu dự án khai quật, cho biết.

Theo Zhang, quả trứng chứa đầy bùn đất này rất giống trứng gà về hình dáng và kích thước. Đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ ở Quý Châu tìm thấy một quả trứng trong mộ. Phát hiện này chỉ ra sự khác biệt giữa những ngôi mộ thời Hán với mộ thời nhà Thương (1600 - 1046 trước CN) và Chu (1046 - 256 trước CN).

"Dưới triều Thương và Chu, người chết được chôn cùng với những đồ đồng quý. Nhưng ở thời Hán, người xưa bồi táng bằng đồ dùng thiết yếu hàng ngày," Zhang nói.

Đoàn khảo cổ cần thời gian để xác định nguồn gốc quả trứng và nguyên nhân khiến lớp vỏ mỏng có thể tồn tại nguyên vẹn trong thời gian dài. Do việc khai quật chưa hoàn tất, quả trứng được để lại trong mộ. Các kỹ thuật viên đã lèn chặt phần đất xung quanh để bảo vệ quả trứng.

Trải rộng trên diện tích 40.000 m2 bên bờ sông Xích Thủy, Hoàng Kim Loan là khu di chỉ thời nhà Hán lớn nhất từng được tìm thấy ở tỉnh Quý Châu.