Nghiên cứu mới của Pháp đăng tải trên tạp chí Royal Society Open Sciencecho cho thấy, 7.000 năm trước, chó rừng đã ăn quá nhiều lúa mì và kê khiến cơ thể sản sinh thêm bản sao của gene tiêu hóa tinh bột. Sự thích ứng này đã cho phép chúng sống gần con người ngay cả khi thế giới loài người có những thay đổi lớn lao.
Sự biến đổi gene dể tiêu hóa tinh bột giúp chó trở thành bạn của con người.
Ảnh: Rathgaelvets
Một bằng chứng quan trọng về ảnh hưởng của việc trồng trọt đến hệ gene của chó được tuyên bố 3 năm trước, khi nhà di truyền học tiến hóa Erik Axelsson của Đại học Uppsala (Thụy Điển) phát hiện chó nhà có 4-30 bản sao của Amy2B - gene giúp tiêu hóa tinh bột - trong khi chó sói chỉ có 2.
Từ kết quả của nghiên cứu này, nhà khoa học Morgane Ollivier - trường ENS de Lyon, Đại học Lyon (Pháp) - muốn tìm hiểu xem sự biến đổi di truyền kể trên diễn ra như thế nào. Bà cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu DNA cổ đại từ xương và răng của 13 con sói và chó nhà thu được từ các di chỉ khảo cổ ở khắp lục địa Á - Âu.
Kết quả là 4 trong số những con chó này (thuộc di chỉ khảo cổ có niên đại 7.000 năm ở Romania và di chỉ khảo cổ 5.000 năm ở Turkmenistan, Pháp) có ít nhất 8 bản sao của gene Amy2B. “Sự gia tăng số lượng gene này mang đến cho chó lợi thế quan trọng là ăn được thức ăn thừa của người” - bà Ollivier cho biết.
Robert Wayne - nhà sinh học tiến hóa tại Đại học California, Mỹ, người không tham gia nghiên cứu trên - cho biết nhờ ăn thức ăn thừa của con người, loài chó có thể trở thành bạn đồng hành, có khả năng thích ứng cao để theo chân con người đi khắp thế giới.