Các nhà khoa học Mỹ đã có phát hiện bất ngờ là thuốc acetazolamide thường được dùng để ngừa chứng sốc độ cao nếu kết hợp với thuốc temozolomide thì có thể tăng hiệu quả điều trị glyoblastoma, một dạng ung thư não ác tính.
Theo Medical News Today, glyoblastoma là một dạng ung thư não ác tính. Bệnh phát triển nhanh chóng và điều trị rất khó, thường không hiệu quả.
Trong thực tiễn điều trị, các bác sĩ thường chỉ định loại thuốc temozolomide để điều trị một số bệnh ung thư não. Đây là một thuốc hóa trị liệu hoạt động bằng cách làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Thuốc này cũng có thể được sử dụng để điều trị các bệnh ung thư khác (như ung thư xương). Tuy nhiên, các tế bào ung thư thường chống lại thuốc.
Các tế bào khối u tiết ra protein BCL-3, giúp bảo vệ chúng chống lại tác dụng của temozolomide bằng cách kích hoạt một enzyme đặc biệt có tên anhydrase carbonic.
Nhưng mới đây, các nhà khoa học Mỹ ở Đại học Chicago đã tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Họ đề xuất kết hợp temozolomide với loại thuốc acetazolamide. Thông thường, acetazolamide được chỉ định đối với chứng sốc độ cao (mountain sickness). Nhưng nhờ khả năng ức chế men anhydrase carbonic nên lại có hiệu quả trong điều trị u nguyên bào glioblastoma nếu được kết hợp với temozolomide.
Tiến sĩ Bahktiar Yamini, tác giả của công trình nghiên cứu được công bố trên Science Translational Medicine cho rằng thuốc acetazolamide là sự trợ giúp rất thuận tiện vì đây là loại thuốc có sẵn, rẻ tiền và ít có tác dụng phụ.
Nhóm nghiên cứu hiện đã chuẩn bị cho các thử nghiệm lâm sàng để khẳng định hiệu quả kết hợp thuốc như vậy.
Theo Motthegioi